We’ve updated our Terms of Use to reflect our new entity name and address. You can review the changes here.
We’ve updated our Terms of Use. You can review the changes here.

Ph​á​p Âm

by LacPhap.com

/
  • Streaming + Download

    Purchasable with gift card

     

1.
Cõi Ta Bà mừng Xuân Người tăng thêm tuổi Thọ Hy vọng thật tràn đầy Tương lai luôn ngời sáng. Chúc nhau trọn niềm vui Tiếng cười vang Hạnh Phúc Thắng lợi thật dễ dàng Thành Công luôn mỹ mãn. Cầu mong nỗi bất hạnh Chậm bước đến bên mình Khổ đau bớt ngập tràn Đắng cay chùn bước lại. Vui buồn không đáng kể Được mất chẳng âu lo Tất cả đúng Nghiệp duyên An bài theo phận số. Hạnh phúc hay Đau Khổ Cũng chính ở nơi ta Lòng chân thành Sám Hối Khổ Đau đều tan biến. Tâm rực sáng hào quang Ý khởi lòng Cao Thượng Tánh giùi mài trau chuốt An Nhiên ta cất bước. Lại một mùa Xuân nữa, Chúng Sanh của cõi Ta Bà rộn ràng, nô nức đón Xuân sang. Cứ chớp mắt là một năm qua, nhiều lần chớp mắt thì nhiều năm qua; như thế đủ hiểu rằng, thời gian không dừng lại bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Nó vẫn đi, đi mãi mà không sao lôi kéo lại được. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng thời gian để làm những điều lợi ích thì dù thời gian có qua nhanh hay chậm, vẫn không đáng kể! Cái đáng kể là trong cái nhanh hay chậm của thời gian, mình làm được bao nhiêu chuyện? thành công được bao nhiêu điều? giúp ích được cho bao nhiêu Người? Đó mới chính là điều đáng nói! Tu tập là để uốn sửa lại một thân cây cong quẹo trở nên thẳng thớm; cái cây đứng thẳng mới có thể dùng trong nhiều việc, một cái cây cong quẹo thì sự đóng góp sẽ không được bao nhiêu, có đôi khi hoàn toàn không có trong việc tạo tiện ích. Người biết tu tập, quyết chí tu tập, sửa đổi toàn diện bản thân mình, Tâm - Ý - Tánh đồng rực sáng, mang lại sự lợi lạc cho mình lẫn cho Người. Một đời người bắt đầu từ lúc mới sanh ra, nằm im lìm, không đi đứng, nói năng, cho đến lúc ra đi vĩnh viễn với cái thân xác cũng im lìm, bất động; nếu trong khoảng thời gian đó không biết chăm lo vun bồi, uốn nắn cho thân cây lớn đều, lớn mạnh, sum sê cành lá, thì thật là uổng cho một kiếp Người! Dù rằng trong 3 cõi: Người - Trời và Cực Lạc, cõi Người là thấp nhất, nhưng điều đó không có nghĩa là muốn được về cõi Người, muốn trở lại Kiếp Người là một điều đương nhiên và tất yếu đâu! Vong Linh phải hội đủ những duyên lành mới có thể thác sanh trở lại làm Người. Từ lúc lìa Đời cho đến lúc trở lại Cuộc Đời, khoảng thời gian có khi kéo dài hằng Ngàn năm hay nhiều trăm năm, tùy theo sự vướng mắc nhiều hay ít của Vong Linh ở phút cuối. Cho nên, Chúng Sanh đừng vội nghĩ rằng thân nhân quá cố của mình sẽ trở lại kiếp Người không bao lâu nữa. Khi còn hơi thở, làm sao để đạt được sự xứng đáng trong một kiếp Người, và khi lìa thân xác, Thần Thức ra đi trong nhẹ nhàng, thanh thản, không vướng mắc, không lụy phiền, đó mới chính là điều đáng quan tâm. Việc trở lại làm Người với tất cả những đặc tánh của một con Người, cũng không phải là điều dễ dàng đâu! Bên cạnh đó, một con Người được hưởng đầy đủ Phúc Lợi, tràn đầy Hạnh Phúc trong cuộc sống của mình cũng không phải là điều tự nhiên mà có! Tất cả đều phải bắt đầu bằng sự tu tập để có thể tự mình hoán chuyển những điều không may mắn đến với mình, qua phương cách Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật. Một sự sửa đổi toàn diện Tâm - Ý - Tánh sẽ giúp cho Nghiệp mới khó tạo thành, trong khi sự phá tác của các Nghiệp Lực từ trong quá khứ cũng phải chùn bước trước sự thành tâm hối lỗi, ăn năn của người tu tập. Sống và hành xử đúng với tinh thần của Tứ Vô Lượng Tâm, đem Tâm Từ Bi Hỷ Xả trải rộng khắp nơi, mang sự An Lành và Phúc Lợi đến cho Người thì lo gì mà mình không xoay chuyển được những điều không may đến cho mình. Tứ Vô Lượng Tâm không phải là thần thông, cũng không phải là tà thuật, mà nó chỉ thuần là một cái Tâm trong sáng, một cái Tâm rực rỡ, một cái Tâm không có vướng mắc, không có lụy phiền, không có ý tưởng xấu xa đen tối hại người. Tứ Vô Lượng Tâm giúp cho Chúng Sanh sống một cách nhẹ nhàng, thơ thới, không có điều nặng trịch trong lòng và nhất là không đối xử với nhau bằng Tánh xấu. Đối xử với nhau bằng Tánh xấu sẽ không khác gì cầm cục than hồng chọi vào nhau. Đối phương chưa nhận được cục than rực lửa mà tay mình đã phỏng đỏ lên rồi! Việc tu tập không đòi hỏi một sự rườm rà, màu mè, lễ mễ và ê a. Tu tập là hướng vào bên trong, cốt sửa sao cho Tâm mình sáng chói, rực ánh hào quang; đó là một sự tự tu tự chứng, vì vậy đòi hỏi một sự nghiêm khắc tối đa với chính bản thân mình. Oan gia trái chủ cũng không đứng chực chờ để nghe mình tỉ tê sám hối, nhưng, từng tiếng lòng nức nở, từng lời chân thành tha thiết sám hối ăn năn cầu xin tha thứ, sẽ làm cho Tâm của mình mờ lần đi những vết sạm đen; rồi lại thêm những Tánh xấu được luôn luôn đem ra đánh bóng, mài giũa để cho rớt lần ra rỉ sét, hiện rõ ràng cái sáng chói ở bên trong; cái đầu óc tối tăm luôn bị quay cuồng bởi Si Mê, lầm lạc, nay nhờ có tu tập mà được gột sáng, chỉnh đốn để trở nên hướng thượng và hướng thiện. Con đường tiến về Cực Lạc sẽ không còn xa tít mù và thăm thẳm nữa. Sự rực sáng của Tâm - Ý - Tánh của một người quyết lòng tu tập, chân thật tu tập, sẽ là ánh đèn hướng dẫn người tu tập về được đến mái nhà Cực Lạc. Nhân mùa Xuân đến, LacPhap.com chân thành cầu chúc Quý Đạo Hữu cùng gia quyến một mùa Xuân thật rực rỡ với Chơn Tâm ngời sáng để luôn giữ được Sự Bất Tận của Mùa Xuân: Xuân trong tư tưởng, Xuân trong cái nhìn, Xuân trong cái nghe, Xuân trong lời nói, Xuân trong cử chỉ, Xuân trong hành động, và nhất là Xuân trong sự đối đãi với tất cả mọi người. Xuân được đối đi thì Xuân sẽ được đãi trở lại, do đó lúc nào cũng thấy được Mùa Xuân. LacPhap.com
2.
Lời Pháp Đầu Năm: Lộc Xuân Mừng Xuân Bính Thân Lại một mùa Xuân đến Lòng rộn rã hân hoan Đón chào Xuân tươi thắm Đến với cả muôn loài Mùa Xuân hoa lá nở Cây đâm chồi nảy lộc Tạo sức sống cho mình Xuân tràn ngập lòng người Xuân mang niềm hy vọng Phá tung mọi xiềng xích Của nghiệp chướng sâu dày Ánh Đạo ngời sáng chói Giúp mùa Xrân trong lòng Luôn rực rỡ thêm lên Trí huệ càng gia tăng Do từng bước tu tập Ngọn đuốc sáng trong Tâm Đốt tan mọi phiền não Thoát được vòng nghiệp chướng Sống cuộc đời An Nhiên. Trong cái lạnh lẽo của mùa Đông sắp sửa tàn, vẫn âm ỷ một sức sống đang háo hức để bùng lên. Cỏ cây, hoa lá rộn ràng chuẩn bị gom nhựa sống để đâm chồi nảy lộc, để thi đua khoe sắc thắm đón chào mùa Xuân đến. Cái bắt đầu của một năm mới hàm chứa biết bao niềm hy vọng: hy vọng hoàn tất mọi dự tính, hy vọng một sự thăng tiến, hy vọng một hoàn cảnh tốt đẹp hơn, hy vọng một tương lai rực rỡ hơn, hy vọng sự thành công sẽ mỹ mãn hơn, hy vọng sẽ tìm lại được những gì đã đánh mất v.v… Tóm lại, Xuân là biểu tượng cho cái bắt đầu, Xuân mang niềm hy vọng, Xuân ấp ủ nhựa sống, tiết Xuân ôn hòa khiến lòng người phơ phới, hỉ hạ, vị tha hơn. Ngọn gió Xuân thổi qua, cây lá như tăng thêm sức sống, đâm chồi nảy lộc, đâu đâu cũng một màu xanh biếc, mơn mởn và khoe sắc thắm. Xuân trong lòng người, Xuân tỏa rộng trong khắp cùng vạn vật, chim cất cao giọng hót ca ngợi mùa Xuân, hoa nở rộ chào đón mùa Xuân; Xuân đến với mỗi cá nhân, Xuân đến với trẻ thơ, Xuân đến với người luống tuổi, Xuân đến với người tràn đầy nhựa sống, Xuân đến với người tật nguyền, bệnh hoạn. Vũ trụ đã ban phát cho chúng sanh mùa Xuân, xem như là một trạm nghỉ chân sau một năm dài chịu đựng, một năm dài mỏi mệt, một năm dài nhiều phấn đấu. Mỗi chúng sanh tiếp nhận mùa Xuân một cách khác nhau, tùy theo những cảm giác, những cảnh huống mà chúng sanh đó đã đối diện trong suốt một năm qua. Ước gì mùa Xuân sẽ mãi mãi, sẽ không quay lưng, sẽ không thản nhiên trước những gương mặt tiu nghỉu của chúng sanh mỗi khi Xuân cất bước ra đi! Làm sao để giữ mãi mùa Xuân luôn ngự trị trong lòng của mỗi người, luôn hiện diện khắp cùng vạn vật? Mỗi chúng sanh đến với Cõi Đời này đều mang đầy ắp nghiệp chướng theo mình, nghiệp chướng kết nối thành sợi dài quấn chặt quanh mình, không tìm được nút tháo gỡ. Cái dây nghiệp chướng hình như chưa đủ nặng, chưa đủ sức làm vướng bận bước chân, chúng sanh lại cố làm cho nó nặng nề hơn ở hiện kiếp. Rồi tới một lúc nào đó, chúng sanh bị quấn chặt đến nghẹt thở, không sao vùng vẫy được, không còn nhìn thấy được cảnh trời rộng bao la, không còn hít thở được không khí trong lành, chúng sanh lại cất tiếng rên rỉ, cất tiếng cầu xin sự giúp đỡ của các Đấng Từ Bi, chúng sanh ao ước, chúng sanh mong mỏi một sự nới lỏng của sợi dây Nghiệp Lực. Chúng sanh trông chờ mùa Xuân vì tự cho rằng đó chính là khoảng thời gian mà sợi dây Nghiệp Lực được nới lỏng để chúng sanh có cơ hội trút bỏ chút ít cái gánh nặng Nghiệp Lực, tìm lại cái không khí trong lành, tươi mát mà mình đã từng hít thở, và nhìn lại khoảng trời rộng bao la với thảm cỏ xanh rì, với muôn hoa khoe sắc thắm. Nghiệp chướng đến với từng chúng sanh dưới bất kỳ dạng thức nào, có khi cực kỳ hung hãn, có khi lại nhẹ nhàng, dịu ngọt. Nhưng … cái nhẹ nhàng này là sự êm ái của bàn tay sắt bọc nhưng, và sự dịu ngọt kia lại là viên thuốc độc bọc đường. Sự đối phó nào của cũng chúng sanh đều khiến cho máu lệ tuôn tràn. Từng ngày qua, từng tháng qua là chuỗi dài đau khổ, sầu thương. Tiếng cười, tiếng rộn rã chỉ là một lớp sơn giả tạo, che dấu những vết thương lòng với hằn nỗi thương đau. Chúng sanh sống với niềm hy vọng, sống với sự khắc khoải trông chờ một sự nhẹ nhàng đúng nghĩa cho thân xác lẫn tâm hồn. Mùa Xuân đến, từ cây nhỏ chí đến cây to đều đâm chồi nảy lộc. Niềm hy vọng trong mỗi chúng sanh cũng lóe lên vào mỗi mùa Xuân để cầu mong một sự đổi thay mang điều tốt đẹp. Những tư tưởng cao thượng cũng nhân dịp này được nảy sinh ra và lớn dần lên như những thân cây, đủ sức để chịu đựng sự bấu víu của chúng sanh. Chúng sanh nào cũng mong mỏi một mùa Xuân, nhưng tiếc thay, cõi Ta Bà là nơi mà chúng sanh gặp gỡ nhau để ĐÒI và để TRẢ tất cả những gì mà cả đôi bên đều không đủ thì giờ, không đủ dịp, không đủ cơ hội để thanh toán cùng nhau, để trang trải những gút mắt, những cảnh huống, những khổ đau đã gây tạo cho nhau trong kiếp quá khứ. Chúng sanh đến với Cõi Ta Bà không mang một niềm vui, không mang tiếng cười rộn rã, mà chỉ mang nước mắt! Do đó, chúng sanh rất trông chờ một cái gì thay đổi với nhiều tốt đẹp ở mùa Xuân. Nếu chúng sanh nhận ra được sự sai lầm của mình trong tận cùng sâu xa của những khổ đau, của những cảnh huống, của những khó khăn mà mình phải đối diện mỗi ngày ở hiện kiếp, chúng sanh bắt buộc phải thay đổi tầm nhìn của mình, “phải sống thực tế” để thấy rằng mình hiện đang bị bao vây bởi quá nhiều nghiệp chướng. Cái khó khăn là chúng sanh không nhận ra Nghiệp Chướng đến với mình, chỉ thuần nghĩ rằng những cảnh huống xảy ra là việc tất yếu ở Đời. Rồi thì bao nhiêu lý luận, bao nhiêu triết lý sống ở Đời được đặt ra: Mạnh được yếu thua * Được thì làm Vua, thua thì làm Giặc * Ăn miếng trả miếng * Lấy oán báo oán … Rốt cuộc lại, nghiệp chướng càng chất chồng, khổ đau càng cao ngất! Khi đã bắt đầu kiệt sức, tàn hơi, không còn phương vùng vẫy nữa, lúc đó Phật Trời sẽ được réo gọi không ngừng nghỉ. Để có thể dễ dàng nhận ra từng nghiệp chướng đến với mình, để có thể thoát được sức ép của Nghiệp Chướng, phương cách duy nhất là TU TẬP. Không thể xem việc tu tập như là cây đũa thần chỉ trong một ngày, một bữa là có thể giúp cho một chúng sanh thoát ra được cái lưới nghiệp chướng đang bao bọc mình đến không còn kẽ hở. Việc tu tập trước tiên giúp cho chúng sanh hiểu thấu đáo cái khổ từ đâu đến? Cảnh huống do đâu mà cứ quấn chặt lấy mình? Tại sao mình cứ mãi nước mắt tuôn rơi? Tại sao mình không thể có những tiếng cười rộn rã như người khác được? Khi đã nhận ra được những nguyên nhân, việc kế tiếp là làm sao để giúp cho những nguyên nhân đó càng lúc càng nhẹ xuống. Nên nhớ kỹ: chỉ có thể làm cho nó nhẹ bớt xuống chớ không thể nào biến mất được! Chỉ cần nó bớt nặng nề, người bị nghiệp chướng quấn chặt cũng sẽ dễ thở hơn và có thể nhìn được màu xanh rì của cây lá chung quanh mình. Sự tu tập sẽ lần hồi giúp chuyển đổi tình huống, chúng sanh đó sẽ lấy dần lại sự thoải mái qua việc sửa đổi toàn bộ TÂM – Ý – TÁNH của mình. Cái vòng Nghiệp Lực tạo nên bởi Tâm – Ý – Tánh ngày xưa, trong quá khứ, chính mình đã chẳng nương tay, để cho nó va chạm vào vòng tròn nghiệp lực của hết người này tới người kia, cho nên, cái nguyên ủy chính yếu của sự khổ đau của ngày hôm nay chính là do mình tạo nên. Mình đã không chùng tay khi làm đau kẻ khác, đã không xúc động trước sự ngã ngựa của một Con Người, đã hân hoan trước sự mất mát của đối phương, đã thản nhiên trước lời cầu khẩn, van xin của người cô thế... còn nữa, còn rất nhiều cảnh huống mà chính mình ngày xưa, trong quá khứ, đã từng chủ động để tạo nên. Khi đã hiểu rõ được điều này rồi thì hãy nên chân thật xét kỹ lại Tâm của mình. Cách đối xử với “NGƯỜI” ở hiện kiếp phản ảnh rất rõ ràng cái Tâm của mình trong quá khứ. Cái Ý của mình, ngày giờ này, ở kiếp hiện tại, đã phát triển trong chiều hướng ra sao? Cao thượng hay thấp kém? Làm lợi ích hay đem điều bất lợi đến cho kẻ khác? Những gì mình làm, những gì mình nghĩ suy sẽ không khác bao nhiêu với cái Ý nảy sinh của mình trong kiếp quá khứ. Cuối cùng, cái Tánh của mình đã “xách động” cái Tâm và cái Ý để tạo nên một nghiệp chướng như thế nào? Cứ nhìn vào Tâm – Ý – Tánh của mình ngày hôm nay, ở hiện kiếp, tức khắc sẽ thấy rõ Tâm – Ý – Tánh của mình trong kiếp quá khứ; từ đó sẽ đưa đến một sự cảm thông về tất cả những khổ đau mà mình gặt hái ngày hôm nay. Từng kiếp NGƯỜI đã trải qua, nếu không có một sự sửa đổi nào cả, chúng sanh sẽ mang toàn bộ Tâm – Ý – Tánh với những tính chất riêng biệt của chính mình làm hành trang, di chuyển từ kiếp này qua kiếp khác. Vì vậy, một sự thể hiện Tâm – Ý – Tánh ở hiện kiếp sẽ phản ảnh gần như trung thực toàn bộ Tâm – Ý – Tánh thuộc kiếp quá khứ. Những nghiệp chướng mà chúng sanh đó gây tạo ở ngay hiện kiếp cũng gần như tương tự với những nghiệp chướng đã xảy ra trong kiếp quá khứ. Cứ bổn cũ soạn lại, Nhân của quá khứ sẽ được gặt hái quả trái ở hiện tại. Cũng chính cái Nhân đó được gieo lại ở hiện tại, sẽ cho ra quả lớn lần và chín mùi ở kiếp vị lai. Nếu không tu tập, không có sự sửa đổi từ trong nguồn gốc, mọi việc sẽ không có gì thay đổi cả. Nghiệp chướng sẽ được thay thế bằng nghiệp chướng, khổ đau này sẽ thay thế khổ đau kia, giọt nước mắt này rớt xuống, tức khắc sẽ có giọt nước mắt khác tiếp nối. Tất cả sẽ triền miên, không bao giờ chấm dứt; đó chính là ý nghĩa sâu xa của vòng Sanh Tử, sẽ không có cái chấm dứt mà cũng không có cái bắt đầu, cứ liên tục và mãi mãi. Sự thành tâm, thành ý sửa đổi Tâm – Ý – Tánh của mình ngày hôm nay sẽ giúp cho nghiệp chướng của ngày hôm qua bớt nặng nề hơn, và tạo cơ hội để cho mình chuyển được cảnh giới tốt đẹp hơn ở kiếp vị lai. Tóm lại, trong việc tu tập, cần phải tư duy thật nhiều, thật sâu xa cái nguyên nhân gây tạo nên nghiệp chướng. Khi đã thấu hiểu rồi thì phải đem tấc dạ chân thành để sửa đổi toàn bộ Tâm – Ý – Tánh của mình. Sau cùng là một sự Chí Thành, đem hết Chân Tâm để sám hối, ăn năn; hãy để cho lòng mình nức nở trước những nghiệp chướng do chính mình gây tạo. Được như vậy, từ từ cái lưới nghiệp chướng sẽ nới lỏng lần, mình sẽ cảm thấy dễ thở hơn, thoải mái hơn, và điều đáng nói hơn cả chính là mình đã tìm lại luồng gió Xuân êm ả, nhẹ nhàng thổi mát qua tâm hồn mình. Cái sáng rực của mùa Xuân đã khơi dậy ngọn đèn trong Tâm từ bấy lâu nay kém phần tỏ rạng; những Ý tưởng cao đẹp cũng nhân đó mà sinh sôi nảy nở; bao nhiêu thói hư tật xấu, bao nhiêu cái Tánh thiếu chăm sóc, thiếu dùi mài, thật không khác những cành cây khô mục, một trận gió Xuân thổi qua, đủ sức để làm cho cành khô gãy đổ, nhường chỗ cho lộc non đâm chồi, mọc ra những cành cây mới xanh tươi, cứng rắn. Mùa Xuân đến, cây đâm chồi nảy lộc để tìm một sức sống mới, để phát triển sức mạnh của cây, để tạo cho cây một hình dáng mới, đẹp đẻ hơn, vững chắc hơn. Mùa Xuân đến giúp cho con người cải sửa lại tất cả những gì không tốt đẹp, không ích lợi, không cần thiết mà mình đã gìn giữ hay đã ấp ủ từ bấy lâu nay. Mùa Xuân mang đến cho vạn vật một bộ mặt mới, tươi mát hơn, rực rỡ hơn, nhiều ý nghĩa hơn. Xuân mang niềm hy vọng đến cho con người về một tương lai tốt đẹp và thành công. Xuân mang niềm tha thiết đến cho người chân thành tu tập, mong cải thiện Tâm hồn mình để mãi mãi được ôm trọn Xuân trong lòng. LacPhap.com xin hân hoan cùng với tất cả quý chư Thiện Hữu đón mừng Xuân Bính Thân. Kính chúc Quý Thiện Hữu: Tâm Xuân luôn ngời sáng, Ý Xuân luôn rực rỡ, Đạo Xuân luôn vững bền.
3.
Kính bạch Sư Phụ, Có người bảo rằng: Tôi không hề làm hại ai, mất lòng ai, cũng chẳng hề giết hại một sinh vật nào, tôi cho nhiều hơn tôi nhận, tôi thi ơn chớ không chịu ơn ai. Như thế thì tại sao tôi phải sám hối? Sám hối cái gì? Sám hối với ai? Và sự cần thiết của việc sám hối như thế nào? Con ơi nên biết rằng: một chúng sanh không phải lần đầu tiên hiện diện nơi cõi Ta Bà đâu! Chúng sanh đó đã đến rồi đi, đi rồi quay trở lại, lên xuống, tới lui đã bao nhiêu lần rồi, không có con số để tính đếm. Cứ mỗi lần đến rồi đi thì kể là một kiếp, mà đã có vô thỉ kiếp rồi thì con cũng phải hiểu rõ chúng sanh đó đã dính chặt với cõi Ta Bà như thế nào? Và sự tương quan giữa chúng sanh với cõi Ta Bà ra làm sao? Cái gì tạo nên sự tương quan khiến cho chúng sanh không thể rời xa được cõi Ta Bà? Thầy lấy một thí dụ cho dễ hiểu: Giả sử rằng đây là lần đầu tiên một chúng sanh có mặt nơi cõi Ta Bà. Trong suốt thời gian hiện diện, chúng sanh đó có những sự tiếp xúc, giao tế, hoạt động, sinh hoạt với những chúng sanh khác trong cùng một môi trường sống với mình. Trong cuộc sống hằng ngày, để bảo vệ sự sinh tồn, có thể xảy ra nhiều va chạm, đưa đến nhiều việc đáng tiếc, không hay. Từ những va chạm nhỏ không đáng kể tiến lần đến những va chạm lớn luôn đi kèm với sân hận, tạo nên từng chuỗi nghiệp lực, nhỏ có, lớn có, tuần tự quấn chúng quanh chúng sanh đó không khác một lò xo. Nghiệp lực là kết quả của một cái nhân không lành. Gieo nhân không lành thì quả rơi rụng không thể nào là quả ngọt, quả ngon được. Trong suốt quãng đời của một chúng sanh, nếu cứ liên tục hứng lấy quả chua, quả đắng thì thật sự không có gì là lý thú cho cuộc sống làm người cả! Rồi tới một lúc nào đó, thân xác hoại, thần thức xa rời thân xác mà vẫn chưa trang trải hết những món nợ mà mình đã lỡ gây ra. Chủ nợ còn sống mà người gây nợ đã lìa xa nhân thế. Rồi đến khi thần thức hội đủ cơ duyên để thác sanh trở lại, chủ nợ đã vĩnh biệt cõi trần. Chúng sanh đó ôm những món nợ cũ trên người, chờ dịp để thanh toán. Rồi thì ở kiếp thứ 2 này, bổn cũ được soạn lại, tấn tuồng Hỷ – Nộ – Ái – Ố – Ai – Bi – Dục Lạc được diễn lại với kết quả là một chuỗi nghiệp lực thứ 2 hình thành. Những món nợ nào thuộc trong cả 2 kiếp, nếu thuận duyên thì trả, không thuận duyên thì chờ kiếp khác. Chúng sanh đó cứ đến đễ gây nợ, rồi đi, mang nợ theo mình. Thầy lấy con số 100 cho dễ tính. Nếu chúng sanh đó đã qua 100 kiếp ở cõi Ta Bà, tính cho đến hiện kiếp, chúng sanh đó đã quấn trên người mình tối thiểu 100 dây lò xo nghiệp lực, chồng chất nhau, không biết nơi đâu là mắt tháo gỡ, muốn tìm lại chuỗi nghiệp lực thứ nhất cũng đành bó tay, không biết làm sao để kéo nó ra, để nhìn cho tận mặt nó là món nợ gì? Do đó, nếu bảo rằng: một chúng sanh không từng làm hại ai, cả người lẫn vật, sống mực thước, biết thi ân bố đức, chúng sanh đó không cần thiết sám hối; nói như thế là chưa thấu triệt cái ý nghĩa làm Người. Một chúng sanh ở kiếp hiện tại biết thường xuyên vun bồi cây Nghiệp Quả của mình, đó chính là kết quả của hạt giống Phật mà mình đã gieo trồng trong quá khứ. Chúng sanh đó vẫn không quên rằng mình đã có nhiều đời, nhiều kiếp sống tung hoành, không biết tự kềm hãm, chế ngự bản thân mình, đã gây tạo không biết bao nhiêu chuỗi nghiệp lực quấn chặt quanh mình. Muốn tháo gỡ những dây lò xo nghiệp lực này, chỉ có một cách duy nhất là SÁM HỐI. Dùng Tâm thành, đem hết sự thiết tha của lòng ăn năn hối cải, tạo thành ngọn lửa Sám Hối, làm chảy tan những nghiệp chướng đã được gây tạo từ bao nhiêu đời kiếp trước. Còn hiện diện ở cõi Ta Bà là còn mang nhiều Nghiệp Chướng trên người, là còn cơ hội để tạo thêm nghiệp chướng. Ngày nào cắt được vòng sanh tử, thoát kiếp Luân Hồi, khi đó mới có thể mạnh dạn và dứt khoát thoát vòng nghiệp lực. Tuy nhiên, thoát được sự quấy phá của nghiệp lực, nhưng vẫn không ngừng việc Sám Hối, sám hối cho đến khi tất cả nghiệp chướng tan đi và “chúng sanh” đó trở về với trạng thái Nguyên Thủy Thuần Khiết của mình. Thầy dùng từ ngữ “chúng sanh” để cho dễ hiểu, dễ hình dung được những lời thầy muốn diễn tả. Đúng ra, khi Thánh Chúng đới nghiệp vãng sanh hành trì Sám Hối để làm tiêu lần đi những chướng duyên, Thánh Chúng trong thai sen sẽ nhẹ lần, đến khi hoa sen nở, Thánh Chúng trở thành Bồ Tát của Cực Lạc, hòa nhập vào sinh hoạt hằng ngày của Cực Lạc. Tuy nhiên, việc Sám Hối vẫn còn luôn tiếp tục cho đến khi không còn một chướng duyên nào cả. Điều đó đã tỏ rõ sự quan trọng và tối cần thiết của việc Sám Hối để đạt được quả vị Bồ Tát hay quả vị Phật trong tương lai. Kính bạch Sư Phụ, Thông thường thì người ta sám hối những nghiệp lực gây tạo với kẻ khác. Nếu một người tạo ra điều không hay, không tốt đẹp cho chính bản thân mình thì có bắt buộc phải sám hối hay không? Nếu một chúng sanh có những hành động, cử chỉ không tốt đẹp đối với chính mình, chúng sanh đó không thể nói rằng: tôi cam chịu, không có sự hối hận. Đó là một ý nghĩ sai lầm. Sám hối là một hành động chứng tỏ rằng mình đã biết phân biệt điều đúng điều sai, điều hay, điều dở, điều nên làm, điều không nên làm. Biết rằng tôi đã làm sai, nhận ra rằng điều tôi hành sử là không hay, không đúng, dù rằng việc không hay, không đúng đó được áp dụng trên bản thân tôi nhưng, nếu tôi không tư duy, không nghiền ngẫm, không sửa đổi thì đến một lúc nào đó tôi cũng sẽ hành sử đúng những điều không tốt đẹp đó cho kẻ khác. Chính bản thân tôi mà tôi còn không tha thiết, không tôn trọng thì rất khó lòng để cho tôi có thể tôn trọng kẻ khác được. Do ở tính chất này mà nghiệp lực dễ phát sinh. Ngoài ra, những tập khí xấu của mình nói lên được rằng: mình đã thường hay có nhiều tánh xấu đó trong quá khứ, nó đã được hành sử quá nhiều cho đến nỗi vẫn còn sáng tỏ trong hiện kiếp. Tánh xấu luôn luôn góp phần vào việc tạo nghiệp dữ. Người có tập khí xấu thì cứ chắc chắn rằng nghiệp dữ đã xoay quanh cái tánh xấu đó trong quá khứ. Ngày hôm nay, trong hiện kiếp, nếu cái tánh xấu đó vẫn không được sửa đổi thì bổn cũ sẽ soạn lại, nghiệp dữ cũng lại tiếp tục gây tạo, vòng lẩn quẩn không bao giờ chấm dứt. Sám hối phải đi kèm với tu tập, muốn tu tập đúng nghĩa để có thể mang đến một kết quả tốt đẹp, điều kiện cần yếu trước tiên là phải sửa đổi Tâm của mình, phải hoán chuyển Tâm bất thiện ra Tâm thiện, Tâm xấu ác ra Tâm tốt đẹp. Tâm lúc nào cũng đi kèm với Ý, do đó sửa tâm là phải sửa ý. Từ ý mới sanh ra tánh, ý xấu sẽ tạo ra tánh xấu, ý tốt mới tạo ra tánh tốt. Tất cả mọi thứ đều dính liền nhau không tách rời. Tâm đã sửa, tánh đã sửa, sau đó mới dùng câu thần Chú để làm cho tâm và tánh được bình. Tâm bình, tánh bình mới có thể giao cảm được với Chư Phật, và Bồ Tát. Khi đó mới có thể làm sạch được nghiệp lực của mình. Câu châm ngôn: “bứt mây thì động rừng”, một tánh xấu nổi lên là đụng chạm hết toàn thể cái rừng nghiệp lực sâu dày, cho nên tu tập là phải sám hối trước tiên. Để chi? Để nhận định được rằng tôi đã làm sai. Khi tôi đã nhận ra được những điều sai lầm tôi đã làm trong quá khứ, và ngay cả trong hiện tại, khi đó tôi phải quán sát cái tâm của tôi, phải sửa đổi lại từ tâm xấu ra tâm tốt; sửa tâm rồi, phải chỉnh Ý của mình nữa, có nghĩa là luôn luôn quan sát Ý của mình, đừng để một Ý nào không tốt đẹp thoát ra khỏi thức của mình. Ý và Tâm dính chặt vào nhau, Ý xấu sẽ làm cho tâm nhơ liền tức khắc, ý tốt sẽ làm cho tâm ngời sáng ra ngay. Sau đó phải giữ Tâm Bình, tâm thanh tịnh để cho không có bất kỳ một tánh xấu nào có thể trồi lên được. Rồi thì phải dùng câu thần Chú, vì chỉ có câu thần Chú mới có thể siết chặt ý của mình, tâm của mình, tánh của mình vào đúng vị trí của nó. Tức là: Câu thần Chú: nhiếp thân – khẩu – ý! Đúng như vậy! Sau đó rồi mới có thể niệm Phật để giao cảm với Chư Phật và Bồ Tát. Một chu kỳ như vậy mới có thể làm tiêu nghiệp được. Người xuất gia hay tại gia, người tu Thiền hay tu Tịnh Độ, ngay cả người ẩn tu nơi rừng sâu, núi thẳm, sống đời khổ hạnh, nếu đã phát nguyện tu tập, muốn được thăng hoa, đều bắt buộc phải lấy Sám Hối làm đầu. Đã làm Người, đã hiện diện nơi cõi Ta Bà thì chắc chắn rằng phải dính líu đến Nghiệp Lực, phải từng đau khổ, phải từng điêu đứng vì nghiệp lực từ quá khứ đến hiện kiếp. Nghiệp lực sâu dày đến trở thành màn vô minh sâu hun hút, làm mờ đi cái Trí Huệ, che lấp đi cái Phật Tánh của mình. Nếu không dùng ngọn lửa Sám Hối để thiêu đốt những nghiệp chướng thì biết đến bao giờ mới có thể trở về với trạng thái PHẬT nguyên thủy của mình.
4.
Trì Chú 35:16
Trì Chú là hành động lập đi lập đi lập lại rất nhiều lần, từ vài mươi lần cho đến cả trăm lần một câu thần Chú. Câu thần chú xuất phát từ đâu? Mang lại lợi ích gì khi được trì một cách liên tục? Thần Chú là câu nói phát ra từ Tâm và Ý của Chư Phật và Bồ Tát. Trước một sự việc xảy ra, trong một hoàn cảnh nào đó, một cảnh huống nào đó, hoàn toàn không dính líu vào một nghiệp chướng nào cả, sự nhanh nhẹn cứu vớt người phước đức gặp nạn tai, hoặc để hoán chuyển chớp nhoáng một tình huống nào đó, Chư Phật và Bồ Tát sẽ thốt ra một câu nói, thường là ngắn gọn để giải quyết ngay tại chỗ, liền tức khắc, những khó khăn xảy đến. Một câu nói có tính cách hóa giải được sự bất trắc, chuyển xấu thành tốt, chuyển bại thành thắng thì đương nhiên phải gọi nó là Thần Chú. Tuy nhiên, điều cần phải ghi nhận là: lời nói đó tuy nói ra bằng miệng, nhưng nó xuất phát từ ở Tâm và Ý của Chư Phật và Bồ Tát. Tâm Ý của Chư Phật và Bồ Tát là một Tâm Ý “rỗng”, có nghĩa là một gương phẳng lặng, hoàn toàn trong sáng, không có bất kỳ một tỳ vết nào cả, cho nên dễ dàng tiếp nhận tất cả những gì chiếu vào và phản chiếu trở lại. Trì Chú là lập lại câu Thần Chú của Phật và Bồ Tát; vì câu Thần Chú xuất Phát từ Tâm Ý của Phật và Bồ Tát nên nó mang tính chất “TRÍ HUỆ”. Do đó, trì Chú là đem ánh sáng phản chiếu từ Tâm Ý của chư Phật và Bồ Tát vào Tâm Thức của Hành Giả, đào luyện nó mỗi ngày một chút, để cho ánh sáng đó luân lưu khắp trong cơ thể của mình, hòa lẫn với chân khí để tạo thành một vòng hào quang bao quanh cơ thể như một khí cụ chở che, chống lại sự xâm nhập của độc khí hay tà khí, trược khí từ bên ngoài vào trong cơ thể. Người tu tập chân chính, siêng năng trì Chú sẽ lần hồi tạo cho mình một màn chắn Hào Quang bao bọc từng bộ phận của nội tạng. Do đó, càng tu tập, càng ít bệnh hoạn, cuộc sống có phần thơ thới, nhẹ nhàng. Tuy rằng vẫn phải đối phó với nghiệp lực luôn xảy tới, nhưng với công năng tu tập, lúc nào cũng chân thành sám hối, ăn năn, luôn hành trì bố thí, hồi hướng công đức tu tập cho các oan gia trái chủ, bên cạnh đó không ngừng việc đào luyện trí huệ qua việc trì Chú và niệm Phật. Trí huệ gia tăng giúp cho hành giả minh mẫn, vừa lợi ích cho bản thân mình mà cũng vừa làm cho oan gia chủ nợ của mình hài lòng vì mình cũng chia sẻ một phần trí huệ đó cho họ qua việc hồi hướng. Trí huệ gia tăng, Tâm thức ngời sáng, tất cả các thức như bừng lên, nhứt cử, nhứt động của người tu tập tựa như đang được theo dõi thật khít khao, sát nút, khó lòng có cơ hội để tạo sự sai lầm, gây nên nghiệp chướng. Nhờ có ngọn đèn Trí Huệ mà người tu tập sẽ nhận rõ để tránh né hầm hố, chông gai, cạm bẫy, đường về Cực Lạc sẽ bớt đi sự cực nhọc và trở nên thênh thang hơn. Kính bạch Sư Phụ, Mỗi lần trì Chú, bắt buộc phải trì bao nhiêu câu thần Chú là đủ? Ở thể loại nào? Thời gian trì Chú phải là bao nhiêu lâu? Nếu nói về thể loại của câu thần Chú thì con cứ tính đi, từ ngày Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật chứng quả vị Phật và trở nên vị Giáo Chủ của cõi Ta Bà, đến nay đã hơn 2500 năm. Một Phật ra đời, ngàn Phật hộ trì, hàng hàng lớp lớp Bồ Tát tiếp sức để cứu độ chúng sanh. Sau khi Đức Bổn Sư nhập diệt, các vị Tổ tiếp nối con đường của Ngài mà dẫn dắt chúng sanh trên bước đường tu tập. Trùng trùng điệp điệp câu Thần Chú của Phật và Bồ Tát đã được thốt ra để cứu độ, để giúp chúng sanh thoát hiểm, để dắt dìu chúng sanh. Cảnh huống nào chúng sanh cũng lâm vào, hiểm nguy nào chúng sanh cũng gặp phải, nạn tai nào chúng sanh cũng trải qua, do đó mà có vô số thể loại câu Thần Chú. Bồ Tát Quán Thế Âm đã cực nhọc rất nhiều với chúng sanh của cõi Ta Bà từ khi Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế. Đức Bổn Sư đã không còn hiện diện ở cõi Đời nữa, nhưng vị Đại Bồ Tát này cũng vẫn không ngừng trải tấm lòng quảng đại của mình để che chở và chỉ dạy cho toàn thể chúng sanh của cõi Ta Bà. Ngài hiện thân ở khắp mọi nơi, không phân biệt màu da, chủng tộc, dưới nhiều danh hiệu khác nhau, thích hợp với từng vùng, từng địa phương, từng tín ngưỡng. Ngài đã ban cho chúng sanh của cõi Ta Bà hai Thần Chú có thể khẳng định là “Tuyệt Diệu”. Đó là Chú Đại Bi và Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn. Với hai Thần Chú này, chúng sanh có thể hoán chuyển cả một vũ trụ to lớn đừng nói chi đến hoán chuyển cái vũ trụ nhỏ bé của chính mình. Nói như thế để thấy rằng cái công năng vô bờ bến của hai Thần Chú này “Siêu Việt” đến mức nào! chúng sanh vì quá thờ ơ, lơ là với việc tu tập nên đã đánh mất đi những viên ngọc quý mà Bồ Tát Quán Thế Âm đã trân trọng trao cho chúng sanh của cõi Ta Bà, nhưng được đáp lại bằng sự hững hờ, và càng đau xót hơn khi hai thần Chú này đã được những kẻ có tâm xấu ác sử dụng vào trong tà đạo để hại người. CHÚ ĐẠI BI: Chú Đại Bi là một sự tổng hợp của rất nhiều tên của Phật và Bồ Tát. Mỗi chữ trong Chú Đại Bi là tên của một vị Phật hoặc một vị Bồ Tát. Cứ đếm bao nhiêu chữ là bao nhiêu vị Phật và Bồ tát. Mỗi một vị Phật, mỗi một vị Bồ tát có một bổn nguyện, khi tên của vị Phật hay Bồ tát đó được đọc lên là bổn nguyện của vị Phật hay Bồ tát đó tự động như một bông hoa nở rộ ra. Vì vậy, người trì Chú Đại Bi càng nhiều chừng nào, sẽ mang lại điều lợi ích cho người đó chừng nấy, chớ không mang lại điều sai trái cho người đó. Trì một lần, bổn nguyện nở một lần, trì hai lần bổn nguyện nở hai lần, trì ngàn lần bổn nguyện nở ngàn lần. Mà bổn nguyện của Chư Phật và Bồ tát là luôn luôn làm lợi ích cho chúng sanh chứ không làm điều bất lợi. Chú Đại Bi có một công năng rất là tuyệt vời ít ai biết đến. Chú Đại Bi được xem như là một Chú Như Ý. Người trì Chú Đại Bi tâm nguyện phải chân thành, đem tâm nguyện của mình đặt vào trong Chú Đại Bi thì sẽ thấy được một kết quả rất là đặc biệt. Chú Đại Bi giúp cho người trị bệnh, giúp cho người tìm thấy sự an bình, giúp cho người giảm đi mệt mỏi, giúp cho người khi cảm thấy quá căng thẳng đầu óc, Chú Đại Bi giúp cho người chiếm lấy một cảm tình, Chú Đại Bi giúp cho hàng phục những người bướng bỉnh, Chú Đại Bi giúp cho hàng phục những ma chướng trong người của mình. Tóm lại Chú Đại Bi là một Chú Như Ý. Luyện được một Chú Đại Bi thành đạt sẽ mang đến cho người trì Chú một công năng rất là cao và có thể giúp đỡ cho kẻ khác rất nhiều. Bên cạnh đó, Chú Đại Bi còn giúp để: Phá màn vô minh Đốt tan nghiệp chướng Đốt tan tất cả những tà khí, độc khí. Người trì Chú Đại Bi sẽ cảm thấy thơ thới trong lòng, sự thơ thới đó chính là một sự sảng khoái của tất cả các thức của mình. Những kẻ xấu ác lợi dụng công năng của Chú Đại Bi để làm chuyện quấy trá, tuy nhiên, kết quả chỉ có thể đến một lần mà thôi, sau đó rồi thì kẻ xấu ác sẽ phải gánh chịu một kết quả không tốt đẹp cho đến suốt cuộc đời của họ. Vì vậy, đừng bao giờ dùng Chú Đại Bi vào những công việc xét ra không ích lợi cho kẻ khác. Chú Đại Bi có một phản ứng ngược rất là nặng nề và kẻ sử dụng Chú Đại Bi trong một chiều hướng xấu, sẽ phải nhận chịu một phản ứng ngược vô cùng tai hại. Chú Đại Bi như tên của nó, nếu đem hết tất cả Tâm Thành, đem tất cả lòng Từ để trì Chú Đại Bi và hồi hướng lại cho khắp pháp giới chúng sanh, công đức sẽ vô lượng, vô biên. Nên ghi nhớ một điều rằng: đừng bao giờ trì Chú Đại Bi bằng cái miệng, sẽ không có kết quả. Phải trì Chú Đại Bi bằng cái Tâm, Tâm Từ Bi, Tâm Hỷ Xả, kết quả mang đến có thể nói là ngút trời. Nếu một người trì Chú Đại Bi đã lâu mà vẫn không thấy một kết quả như ý mình mong muốn, điều đó chứng tỏ rằng người này đã không trì Chú Đại Bi với tất cả Tâm Thành của mình. Bài Chú mang tên Đại Bi, đòi hỏi phải được trì với tất cả Tâm Từ Bi, Tâm Hỷ Xả của mình. Phải trì Chú với Tâm Bình, Tâm Bất Loạn, không còn bất kỳ một hình ảnh nào trong lòng mình ngoại trừ lòng Từ Bi. Lòng Từ Bi khi đó sẽ như một ánh hào quang rọi sáng cả một vùng mình mong muốn được chở che, bao bọc chung quanh người mình muốn trị bịnh và phá tan màn vô minh dày đặc mà mình tha thiết muốn làm cho nó mỏng dần. Người trì Chú Đại Bi càng lâu ngày, Tâm càng Bình, trí huệ càng phát sáng. Phải nhớ rằng, Chú Đại Bi càng trì nhiều, càng trì lâu, bổn nguyện của Phật và Bồ tát càng phát ra nhiều, mà càng phát ra nhiều thì càng làm cho trí huệ của người trì Chú thêm rực sáng. Trí huệ càng sáng tỏ, đường tu tập mới có cơ tiến triển, và điều vô cùng quan trọng là nghiệp lực mới có thể tiêu lần đi được. Khi trí huệ được gia tăng, người tu tập sẽ nhận thức được rất là sâu sắc tâm tư của mình. Và càng lắng tâm chừng nào, càng trở về với tâm của mình chừng nào, sẽ càng dùi mài kiếng tâm của mình chừng nấy, như vậy sẽ càng tiếp nhận nhiều hào quang của Phật và Bồ tát. Cho nên người càng trì Chú Đại Bi, càng trở nên ít nói. Vì sao? Vì tâm họ phẳng lặng, nói nhiều sẽ làm tâm rung động, sẽ làm cho tâm mất đi cái Bình. Cho nên muốn biết một người có trì Chú Đại Bi nhiều hay ít, cứ nhìn vào cử chỉ và thái độ của họ là nhận ra được ngay rằng họ trì Chú Đại Bi có đúng phép hay không. Kính bạch Sư Phụ, Như vậy, cái kết quả của việc trì Chú Đại Bi là làm cho Trí Huệ của người trì Chú càng ngày càng phát sáng, càng hiện rõ Tâm Từ Bi, Tâm Hỷ Xả. Việc trì Chú tuyệt nhiên không gây tạo hiện tượng này hay hiện tượng kia. Thưa có đúng như vậy không? Đúng vậy! Người trì Chú Đại Bi đúng phép và đúng mức, trí huệ phát triển, ánh sáng đó sẽ làm cho Tâm Ý của người trì Chú nghĩ như thế nào thì kết quả sẽ như thế nấy, vì luồng hào quang đó đi ngược trở lại. Nên nhớ rằng: khi một người cho ra một luồng hào quang mang tâm Từ Bi Hỷ Xả thì hào quang phản chiếu lại cũng sẽ mang Tâm Từ Bi Hỷ Xả. Nếu tâm không Từ Bi Hỷ Xả thì luồng hào quang phản chiếu sẽ không mang Tâm Từ Bi Hỷ Xả, khi đó nó không khác gì mũi tên nhọn đâm thấu tâm mình. Do đó, kết quả sẽ không như ý muốn và càng ngày chính mình sẽ tự đâm mình chết. Chúng sanh không hiểu rõ tận tường cho nên đã làm những điều vô cùng quấy trá. chúng sanh đã lợi dụng Chú Đại Bi rất nhiều để thủ lợi, nhưng họ không biết rằng lợi không đến với họ mà chỉ toàn là sự nguy hại mà thôi. Cho nên công năng của Chú Đại Bi cũng như của bất cứ một câu Thần Chú nào của chư Phật và Bồ Tát là để giúp Phát Trí Huệ. Nhờ có Trí Huệ, việc tu tập được dễ dàng, tránh tạo nghiệp, có được sự An Bình đúng nghĩa. Nếu vì lợi lộc riêng tư mà đi ngược với Tâm Từ Bi Hỷ Xả thì sẽ phải nhận chịu một phản ứng ngược vô cùng tai hại do bởi chữ Tham. Trong Chú Đại Bi, câu cuối cùng là câu Chú quan trọng, chánh gốc, chánh yếu. Nếu không thể nào thuộc được nguyên bài Chú Đại Bi thì nên cố gắng học thuộc câu Chú cuối cùng và trì 108 lần. Muốn đem lại kết quả tốt, cần phải trì tối thiểu 21 lần Chú Đại Bi cho mỗi khóa tu. Khi trì Chú phải bắt ấn. Ấn không khác thanh gươm, giúp gia tăng sức mạnh của câu Thần Chú. Cái ấn giản dị nhất có thể áp dụng vào trong bất kỳ câu Chú nào chính là Ấn Kiết Tường. Bàn tay dựng đứng lên Ngón áp út hơi cong xuống Ngón cái đặt lên đầu ngón áp út Ba ngón còn lại vẫn ở vị thế thẳng Ấn Kiết Tường tự bản thân của nó rất nhẹ nhàng, nhưng trong cái nhẹ nhàng tiềm ẩn cái dai sức, chớ không phải là nhẹ nhàng mà dễ cắt bỏ đâu! Nếu bây giờ muốn tăng cường sức mạnh của Ấn, chỉ cần xếp 3 ngón tay dựng đứng xuống, 2 ngón trỏ và giữa đè lên ngón cái. Chú Đại Bi dù rằng mang tên là Chú Như Ý, cũng vẫn phải là ý tốt, không thể là ý xấu được. Nếu lợi dụng Chú, đem tâm ý xấu đặt vào câu Chú, chắc chắn sẽ không tránh khỏi một phản ứng ngược vô cùng tai hại. Bấm vào đây để xem bài Chú Đại Bi bằng tiếng Phạn và cách phát âm » LỤC TỰ ĐẠI MINH CHƠN NGÔN: Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn so về công năng còn mạnh hơn Chú Đại Bi đến vài ba phần. Chơn Ngôn này còn có tên là Chú Vá Biển Lấp Trời, muốn như thế nào cũng được cả! Điều này nói lên cái gì? Nói lên rằng: Tâm và Ý rất ư là mạnh mẽ. Tâm Ý của Chư Phật và Bồ Tát hợp cùng Tâm Ý của chúng sanh, nếu cả hai Tâm Ý đó hòa hợp lẫn nhau thật là khít khao thì chuyện “Vá Biển Lấp Trời” sẽ không còn là chuyện “kinh thiên động địa” nữa. Từ xưa đến nay, ít có người trì cho đúng cách nên không nhận ra được công năng “siêu việt” của Thần Chú này. OṂ MAṆI PADME HŪṂ chỉ vỏn vẹn có 6 chữ, nhưng có một khả năng rất cao trong việc phá màn vô minh, đốt tan nghiệp chướng, trị bệnh, tẩy độc do tà khí hay độc khí, ngăn chận biến động xảy tới, để kiết giới, để sái tịnh v.v… Hào quang của Lục Tự Đại Minh vô cùng… vô cùng rực rỡ; nếu dùng để đốt vô minh thì thật không có gì sánh bằng. Bồ Tát Quán Thế Âm cho chúng sanh của cõi Ta Bà Thần Chú Đại Bi và Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn với Tâm Ý là: chúng sanh sẽ sử dụng hai Thần Chú này như 2 ngọn đuốc soi đường song song, để giúp cho chúng sanh có thể phá tan bóng đêm, thấy rõ được con đường mình đang đi cũng như tất cả những chướng ngại ở trước mặt. Khi trì Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn, tay bắt ấn Kiết Tường co lại; quán tưởng một dòng nước chảy đều trong cơ thể của mình. Cần phải quán tưởng như thế trong lúc trì để cho câu Chú đó thâm nhập vào trong người của mình. Mỗi lần trì 30 phút (nhớ vặn đồng hồ reo hay timer để không bị phân tâm), trì ròng rã trong 10 ngày, qua đến ngày thứ 11 bắt đầu quán hào quang; hào quang đó từ một điểm sáng nơi tam tinh sẽ tỏa lần… tỏa lần… ra cho đến khi bao bọc lấy toàn thân của người trì Chú, cứ như thế tiếp tục trì cho đến khi nào mình muốn chấm dứt, nhưng phải tối thiểu là 30 phút. Nếu khi hành trì Nghi Thức Siêu Độ Cho Thân Nhân, cần nên trì Lục Tự Đại Minh khi cúng cho vong linh, để cho ánh hào quang của người chủ lễ tỏa ra bao bọc lấy vong linh, vong linh được trọn vẹn trong ánh hào quang đó sẽ cảm thấy nhẹ nhàng rất nhiều, ánh hào quang cũng sẽ giúp cho trí huệ của vong linh được tỏa sáng. Khi tu tập, không cần phải trì nhiều câu Chú đâu! Chỉ cần trì Chú Đại Bi và Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn cho thật đúng cách, cũng đủ hoán chuyển mọi tình huống và xoay chiều mọi hoàn cảnh. Chú Đại Bi được trì khi tu tập hằng ngày nhưng không dùng để siêu độ cho vong linh. Đối với vong linh, lại càng không nên sử dụng nhiều câu Chú vì vong linh không có khả năng để nắm vững những câu dài. Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn phối hợp với chơn Ngôn Siêu Độ Hương Linh: HA’ANH CA THU SHU PHU sẽ giúp cho hương linh được nhẹ nhàng. Dù cho người chủ lễ không giúp được cho hương linh một cách đúng mức, khi vong linh trì câu Chú đó cũng sẽ giúp cho vong linh được nhẹ lần… nhẹ lần. Lục Tự Đại Minh Chơn Ngôn phải được trì với Tứ Vô Lượng Tâm – Từ Bi Hỷ Xả. Điều đó có nghĩa là: Người tu tập chân chính khi hành sử Từ Bi Hỷ Xả sẽ tỏa ra ánh hào quang bao chung quanh người đó. Khi họ cất tiếng để trì câu Chú Lục Tự Đại Minh với Tâm Từ Bi Hỷ Xả thì câu Chú này sẽ làm cho cái hào quang của Từ Bi Hỷ Xả rực sáng lên, tỏa rộng ra. Người hành trì Lục Tự Đại Minh khi đó sẽ hòa quyện vào trong ánh hào quang của Tứ Vô Lượng Tâm và đồng thời trong hào quang của câu Thần Chú. Quả là một sự ngập chìm trong “Biển Hào Quang”! Và họ sẽ nhận được một cảm giác rất nhẹ nhàng, thăng hoa. Nếu trì Chú mà Tâm vẫn còn đầy sự ganh tị, hờn ghét, sân hận thì thật khó lòng tiến đến sự nhẹ nhàng, thoải mái được. Trì Lục Tự Đại Minh cần phải hành sử Tứ Vô Lượng Tâm vì Tứ Vô Lượng Tâm sẽ chuyên chở cái Lực của câu Thần Chú, mà Tâm của mình càng Từ Bi Hỷ Xả chừng nào thì công năng của câu Thần Chú càng lên cao chừng nấy. Người tu tập chân chính hành trì nghi thức Sám Hối mỗi ngày với 3 giai đoạn: Sám Hối – Trì Chú – Niệm Phật. Sám hối là điều tối ư quan trọng, không thể lơ là được. Chúng sanh còn trên dương thế phải luôn sám hối, hồi hướng công đức tu tập cho các oan gia trái chủ để làm giảm bớt nghiệp chướng sâu dày từ nhiều đời nhiều kiếp. Sám hối cũng làm nhẹ bớt đi cái gánh nặng nghiệp lực của Thiên Chúng. Khi Phước Trời đã mãn, trở lại với kiếp Người, Nghiệp Lực giảm bớt đi, cuộc đời mới cũng sẽ được may nhiều, rủi ít. Thánh Chúng có sám hối mới trở nên nhẹ lần trên thai sen và mới có thể xuất Liên Hoa được. Vong linh được hướng dẫn sám hối để trở nên nhẹ nhàng, dễ dàng tiếp nhận sự giúp đỡ của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát trong việc tìm đường thác sanh. Một sự sám hối chân thành, tha thiết xuất phát từ Tâm chớ không từ đầu môi chót lưỡi, đó là một sự nức nở, nghẹn ngào của tiếng Lòng, thật sự ăn năn, hối lỗi về những nhiệp tội do mình gây tạo. Phải đem Tâm thành sám hối trước, sau đó quán tưởng các nghiệp tội của mình, dùng hào quang của câu trì Chú để đốt vô minh, thiêu hủy lần nghiệp chướng. Trì Chú ở vào giai đoạn thứ 2. Tu tập đúng với cái thứ tự: Sám Hối * Trì Chú * Niệm Phật, sẽ mang đến cho hành giả một công năng đầy đủ 7 phần công Đức. Nếu chỉ chăm Chút có phần Trì Chú hoặc chỉ thuần Niệm Phật, công đức tu tập chỉ nhận được có một phần mà thôi. Dù người xuất gia hay người còn tại gia, người tu tập nhiều hay tu tập ít, một khi đã phát nguyện vãng sanh về Cực Lạc bắt buộc phải luôn luôn chân thành sám hối. Tất cả những tội lỗi đều xuất phát từ một Tâm không Lành, Tâm xấu ác. Ngày giờ này, Tâm chân thành rung động, Tâm biết xót xa trước nỗi khổ của kẻ khác, Tâm nhận thức được những sai lầm, những đớn đau, Tâm ăn năn hối lỗi, cầu xin tha thứ. Chính cái ánh hào quang rực lửa của câu Thần Chú mới có đủ khả năng thiêu đốt những ray rứt, nỗi dằn vật, sự vày vò, ăn năn tiềm ẩn trong Tâm của người thành tâm sám hối. Tâm trở nên thanh tịnh, trong sáng, không còn gợn đục mới có thể tiếp nhận được hào quang của Phật và Bồ Tát khi người tu tập nhất tâm Niệm Phật. Việc tu tập phải được tiến hành theo đúng từng giai đoạn mới mong mang đến kết quả tốt đẹp. Tất cả các giai đoạn đều bổ túc cho nhau và dính chặt vào nhau. Nếu chỉ thuần sám hối mà không trì Chú, không niệm Phật: cái kết quả sẽ không khác gì việc nấu một nồi canh mà không vặn lửa, mãi mãi các vật liệu trong nồi canh vẫn còn đó, nước vẫn không sôi, rau cải không chín, nồi canh sẽ không có sự hài hòa giữa tất cả các vật liệu để vào, hầu tạo nên một hương vị đúng của món canh mà mình muốn nấu. Nếu chỉ trì Chú mà không sám hối, không niệm Phật: đó là hành động vặn lửa để nồi nước sôi lên và cứ tiếp tục sôi cho đến khi cạn nước mà không bỏ bất cứ vật liệu nào vào nồi để nấu cả. Trì Chú mà không sám hối, không niệm Phật chỉ có thể chấp nhận được khi không phải là thời khóa tu. Khi đó, người hành trì sử dụng công năng của câu Thần Chú để Kiết giới hay để sái tịnh cho mình. Kiết giới Tức là trì câu thần Chú khoảng thời gian từ 10 – 15 phút, vừa trì vừa quán tưởng hào quang của câu thần Chú tỏa sáng chung quanh người của mình; hào quang càng lúc càng dày đặc và trở thành một màn chắn bao quanh mình, chống lại sự xâm nhập của tà khí, độc khí. Khi đi đến nơi đông người như chợ búa, các thương hiệu, nơi sở làm, nhà thương, nghĩa địa … những nơi nào mà mình nghĩ là có nhiều tà khí, trược khí, dễ bị lây nhiễm vào người, trước khi đi, chuẩn bị kiết giới. Sái Tịnh Dùng công năng của câu thần Chú để đốt hết tà khí, độc khí vướng lên người mình, ngấm vào người mình. Một người dù có Kiết giới trước khi đến chỗ đông người, đạo lực vẫn chưa đủ đầy để tạo một lớp hào quang dày ngăn chận hoàn toàn độc khí xâm nhập vào người mình. Do đó khi trở về nhà, sau khi tắm rửa xong, thay bộ đồ sạch vào, vẫn phải nhất tâm trì Chú tối thiểu là 01 tiếng đồng hồ, quán hào quang rực lửa đốt hết những trược khí trên người của mình. Cần phải ghi nhớ rằng: muốn tiến đến giai đoạn tự mình Kiết giới hay sái tịnh, hành giả bắt buộc phải qua một thời gian dài tu tập, phải sám hối để bớt đi nghiệp chướng, phải trì Chú để thân tâm được nhẹ nhàng, màn vô minh mỏng dần, phải niệm Phật để trí huệ được phát sáng, đạo lực càng ngày càng gia tăng, cảm thấy trong người thoải mái, nhẹ nhàng, bệnh tật cũng giảm lần đi. Khi đó hành giả đã tạo được một ánh hào quang bao chung quanh mình qua công năng tu tập. Kiết giới là làm cho cái hào quang đó dày ra thêm để có khả năng chống đỡ. Sái Tịnh là hành động phủi sạch lớp bụi, lớp ô trược bám vào cái hào quang đó và sau đó làm cho cái hào quang được rực rỡ thêm qua công năng của câu trì Chú. Tất cả phải đi từng bước ngắn, gọn, chậm rãi, không hối hả và thật vững chắc. Nếu không sám hối, không trì Chú, chỉ thuần niệm Phật: tức là hành động bỏ hết tất cả vật liệu nấu vào nồi, không đổ nước, không vặn lửa, cứ ngồi chờ nồi canh chín. Nếu bảo rằng niệm Phật để được vãng sanh, ngoại trừ một cơ duyên đặc biệt giữa người Niệm Phật với Cực Lạc nên được tiếp dẫn ngay lúc lâm chung, còn thì cần phải sám hối, trì Chú để làm tan nghiệp chướng, kiếng Tâm được tỏ rạng, Tâm thanh tịnh, giữ không loạn động mới có thể giao cảm được, đón nhận được hào quang chói rạng của Phật và Bồ Tát mỗi khi hành trì việc niệm Phật. Niệm Phật cũng giống như trì Chú, phải niệm với một Tâm Lành, Tâm Từ Bi, Tâm Hỷ Xả, tuyệt đối không xen lẫn sự ganh tị, đố kỵ, hiềm khích cùng sân hận, như thế mới quyết chắc được việc vãng sanh Cực Lạc. Thánh Chúng của Cực Lạc còn phải ngày đêm sám hối trên thai sen, còn phải khổ công trì Chú để đốt cho tan nghiệp chướng mới mong được nhẹ nhàng mà xuất Liên Hoa. Đã một lòng mong mỏi về cõi Tây Phương thì tại sao lại chối từ sám hối và trì Chú? Nếu niệm Phật chỉ bằng cái miệng thì đến phút cuối của cuộc đời, tay trắng vẫn hoàn tay trắng, đã bỏ lỡ đi thời gian dài tu tập mà không thu hoạch được điều lợi ích và tốt đẹp cho mình. Thật uổng lắm thay!!! Đối với người lớn tuổi, đứng ngồi khó khăn hay trên giường bịnh, nghi thức sám hối được hành trì một cách đơn giản nhưng phải thật là tha thiết. Trước tiên, việc sám hối được thay thế bằng một lời chân thành xuất phát từ chân tâm: Con tên là……… pháp danh …………. Cầu xin Đức A Di Đà Phật cùng Bồ Tát Quán Âm – Thế Chí chứng minh cho lòng con hết dạ ăn năn sám hối về những nghiệp tội con đã gây tạo nên từ nhiều đời, nhiều kiếp. Sau đó lập lại càng nhiều càng tốt với sự xúc động chân thành đến rơi nước mắt, câu: Con chân thành sám hối, ăn năn, cầu xin nghiệp chướng được tiêu trừ. Nếu vì bịnh hoạn không nói được thành lời thì nói trong đầu cũng được. Sau khoảng 5 phút sám hối thì sang qua trì câu Chú OṂ MAṆI PADME HŪṂ Câu Chú được trì trong trạng thái Bình, không nghĩ ngợi bất kỳ điều gì cả, ráng cố gắng giữ Tâm bất loạn. Trì Chú trong 5 phút ra thành lời hoặc trong đầu. Sau đó, cũng giữ Tâm bất loạn, Tâm An Bình để niệm danh hiệu Phật hay danh hiệu Bồ Tát. Niệm ra tiếng hay niệm trong đầu cũng được, càng nhiều càng tốt. Người lớn tuổi có thể ngồi trên ghế, ở bất cứ nơi nào mà mình cảm thấy thuận tiện, thoải mái, hoặc ở trong nhà, hoặc ngoài sân vườn, không cần phải trọng hình thức, cốt sao Tâm mình chân thật, xúc động thật sự mỗi khi mình sám hối. Tối thiểu phải hành trì nghi thức sám hối một lần trong ngày. Ngoài ra, tùy thời giờ rỗi rảnh, cứ niệm câu: Con chân thành sám hối ăn năn, cầu xin nghiệp chướng được tiêu trừ. Cứ xen kẽ câu sám hối rồi tới câu niệm Phật, thỉnh thoảng xen vào câu trì Chú. Vào phút lâm chung, câu trì Chú giúp cho người sắp sửa ra đi một sự sáng suốt, không mê muội, nhận rõ hướng đi. Khi còn sức khỏe, còn hơi sức, không nên lơ là với việc trì Chú. Tâm thức đã khắc ghi câu thần Chú, đã đóng dấu ấn vào Tâm thức thì ở phút cuối của cuộc Đời, mới mong có được ngọn đèn thắp sáng, hướng dẫn thần thức mình không đi lạc hướng. --- LacPhap.com
5.
Niệm Phật Niệm Phật thì ai cũng biết cả, thậm chí một đứa trẻ mới biết nói, nếu được người hướng dẫn, chỉ bảo, đứa bé vẫn có thể niệm Phật rất lưu loát. Đa số chúng sanh đều cho rằng: việc niệm Phật đâu có gì khó, chỉ cần gọi tên của Đức A Di Đà Phật một ngày vài chục lần hay trăm lần hoặc ngàn lần, tùy theo thời giờ rảnh rỗi của mỗi chúng sanh, Đức Phật sẽ hiện diện và sẽ rước chúng sanh đó về Cực Lạc ở phút lâm chung. Vấn đề thật ra không giản dị như vậy đâu! Niệm Phật đi liền với Sám Hối, nối kết chặt chẽ với việc Trì Chú. Niệm Phật ở vào giai đoạn thứ 3 của nghi thức Sám Hối bao gồm: Sám Hối – Trì Chú – Niệm Phật. Tại sao phải Niệm Phật? Đức A Di Đà Phật ở tận cõi Tây Phương, hằng ngày, với khả năng nghe và thấy, Ngài cũng đủ đinh tai nhức óc vì tiếng kêu réo gọi Ngài của chúng sanh nơi cõi Ta Bà. Chúng sanh không thể nói rằng: tôi cứ réo gọi tên Ngài thì Ngài bắt buộc phải rước tôi đi, không phải như vậy đâu! Chúng sanh tự mình đã gây tạo biết bao nhiêu điều không đúng, bao nhiêu cảnh huống trái ngang não ruột, phiền não thì chất chồng, sâu thăm thẳm. Đã vay trong kiếp trước thì phải trả ở kiếp này! Nhưng trớ trêu thay, mình vay mình tạo, nay phải trả thì lại đổ tội cho Trời, cho Đất. Trời Đất không xúi bảo chúng sanh làm việc trái lòng, do đó việc than Trời trách Đất là một sai lầm rất to tát. Khi chủ nợ đến đòi nợ thì phải mặt đối mặt nói chuyện với chủ nợ, không thể nào réo gọi Trời, réo gọi Đất để nói chuyện với chủ nợ giùm mình. Nghiệp chướng mình tạo nên càng lúc càng sâu dày, biết đến bao giờ mới trả cho xong để mà phủi tay, ung dung cất bước ra đi? Nghiệp này vừa tạo xong, chưa thanh toán, nghiệp kế tiếp lại ồ ạt tiến đến. Rồi lại tiếp tục, tiếp tục, không dừng bước, cứ chất chồng … chất chồng cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Có những nghiệp chướng có tính cách rất gần gũi, xảy ra không quá lâu, cả chủ nợ lẫn con nợ đều cùng có mặt ở hiện kiếp, cho nên việc vay trả có cơ hội xảy ra, đây là loại nghiệp lực “mặt đối mặt”, người trả nợ trực tiếp đối đầu với kẻ đến đòi nợ. Nghiệp lực “mặt đối mặt” đòi hỏi rất nhiều nhân duyên hội tụ trong hiện kiếp. Thông thường thì nghiệp lực đến với chúng sanh dưới dạng “bài học”, do bởi việc tạo tác đã xảy ra quá lâu xa về trước, hoặc không có cơ hội để tạo sự gặp gỡ giữa chủ nợ và con nợ. Những bài học về sự liên tục thất bại trong thương trường, trong tình trường, hay trong bất cứ lãnh vực nào của cuộc sống, bài học về nghĩa nhân, bài học về sự bội bạc, bài học về lòng trung thành, bài học về sự đủ đầy, bài học về sự tham lam, bài học về sự bạc đãi, bài học về sự oan tình, bài học về sự bất cần, bài học về nhân ái, bài học về thị phi, bài học về hạnh phúc, thậm chí đến việc nhận chịu sự bịnh hoạn triền miên v.v… Vô số những bài học mà chúng sanh đã và đang trải qua dưới dạng thức khổ đau, sự chua cay, sự xót xa, những tình huống éo le, nhiều nước mắt. Những bài học này không phải đến với chúng sanh trong chỉ một kiếp, mà đã trở đi trở lại trong rất nhiều kiếp. Các bài học đó chỉ thực sự dừng lại khi nào chúng sanh đó nhận ra được và thấm thía được những sai lầm mà mình đã tạo nên. Vì vậy: Nếu không có sự chân thành tha thiết sám hối ăn năn, Nếu không có câu thần Chú giúp sức để thiêu đốt nghiệp chướng, Nếu không có sự phụ trợ của chư Phật và Bồ Tát qua lời niệm Phật, Mãi mãi và vĩnh viễn những bài học đó sẽ vẫn còn hiện diện, vẫn còn đeo đuổi chúng sanh từ kiếp này qua kiếp khác. Dù rằng ở một kiếp nào đó, chúng sanh nhờ vào phước đức mình tích lũy mà có được một cuộc đời giàu sang cao tột, nhưng ảnh hưởng của những bài học về nghiệp lực vẫn không dừng bước, nên sẽ tạo ra cái cảnh sống trên “đống vàng” mà nước mắt vẫn tuôn rơi. Bản tánh của chúng sanh vừa bướng bỉnh, vừa cao ngạo, đầy tự ái, vì thế khó lòng mà chu toàn được nghiệp chướng của mình. Chư Phật và Bồ Tát đã nhận thức rằng: nếu chúng sanh không hết lòng thanh toán nghiệp chướng của mình và cứ tiếp tục chiều hướng đẩy nghiệp lực liên tục kéo tới, chắc chắn rằng chúng sanh sẽ đi một cái vòng lẩn quẩn và rất khó lòng trở về với điểm khởi đầu. Cho nên, Chư Phật và Bồ Tát đã đặt ra rất nhiều phương cách để giúp cho chúng sanh làm cách nào chu toàn được những nghiệp chướng của mình, càng nhiều càng tốt. Các Ngài đã tỏ ra rất rộng lượng khi sử dụng phương cách Sám Hối; các Ngài muốn rằng: Chúng sanh phải tự mình sám hối, tự mình nhận chân ra nghiệp tội do chính mình gây tạo, tự mình ý thức được những hành động sai lầm của mình, tự nguyện ăn năn, tự nguyện hối cải và tự nguyện làm một cái gì đó để đền trả trở lại những điều quấy trá của mình đối với kẻ khác. Nên nhớ một điều rằng: nghiệp lực tuy đến với chúng sanh, cũng vẫn không ồ ạt và không liên tục. Nếu thật sự đúng với ý nghĩa gieo nhân nào thì gặt quả nấy, chúng sanh chắc chắn sẽ khó lòng đứng vững với luật trả vay, vay trả. Đập người ta gãy chân, mình sẽ bị đập lại không còn chân để mà đi đứng. Phá hoại hạnh phúc của người thì chắc chắn rằng mình sẽ chỉ có thể sống trong cô đơn, nhiều nước mắt. Cướp giựt tiền bạc, tài sản của kẻ khác sẽ khó lòng tạo được cho mình một sự sung túc về vật chất. Tuy nhiên, Chư Phật và Bồ Tát đã giúp cho chúng sanh chan hòa những phước đức mà mình đã tạo nên với mục đích làm giảm thiểu sự vay trả, để tránh cho chúng sanh cái cảnh ngả quỵ liền tức khắc khi tất cả các nghiệp chướng ồ ạt tiến đến cùng một lúc. Cho nên, tất cả những nghiệp lực sẽ đến một cách từ tốn, đến với từng kiếp một để chúng sanh có đủ thời gian mà đối phó, mà chịu đựng. Việc hành thiện có một công năng rất cao trong việc làm giảm đi sức công phá của nghiệp lực. Phước đức, công đức có khả năng bao trùm, làm nhẹ lại cái kết quả của việc vung tay quá mạnh bạo của chúng sanh. Ngày giờ này, ở hiện kiếp, nhìn chúng sanh đau khổ, chúng sanh quằn quại trong bịnh tật, trong xót xa, trong cảnh huống vô cùng bi đát, chúng sanh nhận chịu sự trả vay, chúng sanh nếm hương vị đắng cay của việc đối xấu, đối ác, đối dữ của mình từ trong quá khứ, Chư Phật và Bồ Tát với một lòng Từ Bi trải rộng, với một tấm lòng quảng đại bao la, đã vô cùng mủi lòng, cực kỳ xao xuyến và thật sự thương tâm. Tất cả Chư Phật trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đều sẵn sàng dang tay tiếp độ chúng sanh của cõi Ta Bà. Thế giới Cực Lạc của cõi Tây Phương với Đức A Di Đà Phật làm Giáo Chủ đã tỏ ra rất phấn khởi, rất sẵn sàng và tình nguyện cứu vớt chúng sanh. Điều này đã được tỏ rạng ngay khi Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, do đó chúng sanh của cõi Ta Bà đã được Đức Bổn Sư trân trọng giới thiệu và khuyến cáo nên cố gắng tu tập và phát nguyện để được vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Tuy nhiên, chúng sanh cần phải nên nhớ rằng: việc tiếp độ của Đức A Di Đà Phật còn tùy thuộc rất nhiều vào sự thành tâm, thành ý của chúng sanh. Không thể nào một người đã gây tạo quá nhiều lỗi lầm, luôn tỏ ra hững hờ trước kết quả của việc làm không tốt đẹp của mình, bất cần lời oán than của những nạn nhân đau khổ vì hành vi xấu ác của mình, kẻ đó không thể thản nhiên, không thể nhởn nhơ chờ đợi một cuộc tiếp rước về Cực Lạc được. Đức A Di Đà Phật chỉ sẵn sàng tiếp rước người về Cực Lạc khi người đó đem hết tấm chân tình của mình để ăn năn, sám hối về những nghiệp tội mình đã gây tạo nên. Càng dễ dàng tạo tác, càng phải thành tâm thiết tha sám hối. Lời sám hối phải xuất phát từ Tâm chớ không từ đầu môi chót lưỡi. Việc sám hối luôn luôn đi kèm với việc kiểm Tâm – chỉnh Ý và sửa Tánh. Sửa Tánh là điều kiện ắt có và đủ trong việc đạt tiêu chuẩn để được vãng sanh Cực Lạc. Thầy khẳng định như thế! Những nghiệp chướng tạo ra, phiền não cứ liên tục chất chồng, vô minh sâu dày hun hút, tất cả đều bắt nguồn từ cái Tánh xấu ác của chúng sanh. Một khi những thói hư tật xấu chưa được khắc phục thì sự sám hối không được xem là chân thành, tha thiết và hoàn hảo. Còn tánh xấu là còn cơ hội tạo nghiệp không lành, không tỏ được cái thiện chí hồi đầu hướng thiện, dù có được rước về Cực Lạc cũng vẫn ngồi khá lâu trong thai sen, khó lòng nói đến việc hòa nhập vào sinh hoạt của Cực Lạc, chớ nói chi đến việc cứu độ chúng sanh. Thầy có thể đoan chắc rằng: muốn được tiếp dẫn về cõi Tây Phương Cực Lạc, việc trước tiên phải chu toàn là SÁM HỐI, mà CHÂN SÁM HỐI là bao gồm việc kiểm Tâm – chỉnh Ý và sửa Tánh; sửa không ngừng nghỉ mới thể hiện được cái thiện chí của mình là mong mỏi trở nên một người tốt đẹp, một người biết nhận thức được những sai lầm mình đã phạm, và khi đã lỡ phạm rồi thì phải làm sao để khắc phục điều sai trái và làm sao để có sự đền bù tương xứng. Sau việc sám hối, người tu tập chân chính phát nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc phải Trì Chú. Nếu không trì Chú sẽ khó lòng làm tiêu nghiệp chướng và làm mỏng lần màng vô minh. Trì Chú bắt buộc phải đi kèm với sám hối, Chư Phật và Bồ Tát cho chúng sanh câu Thần Chú với mục đích dùng để đốt tan nghiệp chướng và làm mỏng lần màng vô minh; nếu không sám hối trước, sẽ không có sự trợ lực của câu Thần Chú. Nếu chỉ thuần trì Chú mà không sám hối, thật uổng vô cùng vì câu thần Chú không thể hiện được công năng của nó. Người tu tập thiếu sám hối sẽ không làm nên được việc gì cả cho phần tâm linh của mình. Tu cách nào cũng vẫn phải sám hối, sau đó, đem tấm lòng tha thiết ăn năn của mình để trì Chú, nhờ câu thần Chú đốt cho tan nghiệp chướng và làm mỏng lần màng vô minh, trí huệ phát sáng mới mong tiếp nhận được hào quang của Chư Phật và Bồ Tát. Sau giai đoạn Sám Hối, giai đoạn Trì Chú là đến giai đoạn Niệm Phật. Việc niệm Phật nói lên cái gì? Nói lên rằng: Người chân thật tu tập đem hết tấm lòng của mình để nghĩ tưởng đến Phật và Bồ Tát. Niệm Phật với một sự hứa hẹn giữ Tâm mình luôn thanh tịnh và tuyệt đối không đi trở lại con đường mà mình đã dẫm bước chân của mình trong quá khứ. Niệm Phật để nhờ cái Lực của Phật và Bồ Tát giúp cho mình đủ sức chống chọi lại với những nghiệp chướng quá nặng nề đến với mình. Khi một nghiệp chướng quá sâu dày, quá chằng chịt, chúng sanh khó lòng tự mình tháo gỡ được, do đó cần phải có sự tiếp sức của các Đấng Từ Bi. Tuy nhiên, nếu Tâm của người đó không chân thật, thì e rằng việc cầu xin giúp đỡ sẽ không được như ý. Vì vậy lời niệm Phật phải là lời xuất phát từ tận đáy lòng; niệm Phật phải tha thiết, phải mang hết tấm chân tình của mình đặt vào điển quang của mình cho nó xuất ra từ tam tinh (điểm giữa 2 đầu chân mày), để hào quang của Chư Phật và Bồ Tát có thể hòa quyện vào điển quang đó mà giúp cho mình được toại ý. Niệm Phật là gọi Phật, gọi Bồ Tát. Gọi các Ngài đến để trao cho Phật, trao cho Bồ Tát trọn tấm lòng Thành của mình, để cầu xin Phật, xin Bồ Tát thương xót giúp cho mình thoát được điều hung hiểm. Không bao giờ gọi Phật mà Phật không đến, các Ngài lúc nào cũng sẵn sàng để làm tròn vai trò cứu độ chúng sanh. Vì vậy, niệm Phật phải với tất cả Tấm Chân Tình, không để bất cứ một hình ảnh nào khác trong Tâm mình, ngoại trừ Lòng Từ Bi. Lòng Từ Bi thể hiện một sự ăn năn, một sự sám hối, và Lòng Từ Bi đó tha thiết gởi trả trở lại cho tất cả những người mà mình đã tạo nên oan trái. Có như vậy mới có thể đưa Phật và Bồ Tát xích lại gần mình hơn. Việc niệm Phật tuyệt đối không có một ngoại lệ nào cả ngoài 3 giai đoạn: Sám Hối - Trì Chú - Niệm Phật. Ba giai đoạn này dính chặt vào nhau, không bao giờ rời. Đa số chúng sanh đều cho rằng: chỉ cần niệm Phật là Phật rước. Đúng! Niệm Phật thì Phật rước, nhưng Phật đứng đó, chúng sanh tâm tối mò mò, trí huệ lu mờ, khó lòng hòa nhập vào hào quang của Phật để ra đi cùng với Phật. Phật, Chúng sanh, Tánh thường rỗng lặng, Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn. Tâm Phật luôn phẳng lặng, trong vắt. Tâm chúng sanh ngời sáng, tỉnh lặng. Cả hai Tâm đó giao hợp nhau, hòa quyện vào nhau mới tạo nên một sự đồng nhất, một sự đồng điệu đúng nghĩa, một sự cảm thông tuyệt đối không thể nghĩ bàn. Cho nên, phải cẩn thận vô cùng trong vấn đề Niệm Phật. Khi niệm Phật cần phải giữ Tâm Thanh Tịnh, nhất là Tâm Từ Bi, như vậy mới có thể chuyển được lời niệm Phật lên cao. Tuyệt đối đừng niệm Phật bằng đầu môi chót lưỡi, đó là điều cấm kỵ của việc niệm Phật, phải niệm bằng cái Tâm Chân Thành. Niệm Phật bằng đầu môi chót lưỡi, dù cho niệm đến cả triệu lần, cũng vậy thôi. Không đem lại một kết quả nào cả. Niệm Phật bằng cái Tâm chân thành, bằng sự thổn thức, bằng tấm lòng chân thật, bằng sự tha thiết, bằng tất cả sự cầu xin, mong mỏi và nhất là bằng tấm lòng Từ Bi, chắc chắn rằng việc tiếp rước vào giờ phút lâm chung sẽ là một việc dễ dàng xảy ra. Phật sẵn sàng tiếp rước bất cứ chúng sanh nào của Cõi Ta Bà, nhưng chúng sanh đó phải thể hiện được một tấm chân tình và tấm chân tình dâng lên cho Phật phải đi kèm với 2 chữ Từ Bi. Một ngày có thể niệm Phật bao nhiêu lần cũng được cả, nhưng bắt buộc phải có thời khóa Sám hối và Trì Chú. Không có ít nhất là 01 lần thời khóa tu Sám hối và Trì Chú thì đừng nên nói đến việc Niệm Phật, dù cho niệm bao nhiêu lần cũng không được kể tính. Vì sao? Vì như đã nói ở trên, đừng niệm Phật bằng đầu môi chót lưỡi, mà phải niệm bằng cái Tâm. Tâm đó là gì? Là tâm chân thành sám hối, ăn năn. Mình đã gây tạo những điều không tốt đẹp thì bắt buộc phải biết hối lỗi, ăn năn, dùng Tâm chân thành để niệm Phật thì mới mong đốt tan nghiệp chướng, làm mỏng lần màng vô minh. Như vậy, Kiếng Tâm của mình mới lần lần trở nên trong sáng, mới có thể tiếp nhận được hào quang của Phật và Bồ Tát khi mình niệm Phật. Niệm Phật là kêu Phật, là gọi Phật, mà khi Phật đến thì hào quang của Phật chói rạng, còn Tâm mình thì quá u tối, thử hỏi làm sao có thể tiếp nhận được hào quang đó để mà tạo nên một sự cảm thông đúng nghĩa? Do đó, việc niệm Phật hoàn toàn không mang đến kết quả tốt đẹp là cho người niệm Phật một Trí Huệ để có thể nhận thức được sự đúng hay sai trong tất cả hành động của mình, cũng như ngăn chận mọi việc làm, mọi tư tưởng có thể tạo nên một nghiệp chướng mới. Nếu không theo một cách thức như vậy, sẽ khó lòng nhận được sự tiếp rước ở vào phút lâm chung. Lúc bình thường, người tu tập đã theo một chiều hướng đúng, mỗi khi niệm Phật, ánh hào quang của mình hòa lẫn vào hào quang của Phật và Bồ Tát. Ở phút lâm chung, hào quang của Phật và Bồ Tát rực rỡ hơn nhiều. Mọi cách thức đã được hành giả huân tập mỗi ngày, dù rằng ở phút cuối, có đôi lúc vì bịnh tật nên khiến cho hành giả mất đi một phần nào Chánh Niệm, nhưng với sự giúp đỡ khéo léo của người hộ niệm, hành giả sẽ dễ dàng lấy lại chánh niệm trong lời niệm Phật, và cái hào quang đã được kiến tạo từ bấy lâu nay sẽ rực sáng lên và hòa lẫn vào hào quang của chư Phật và Bồ Tát, đồng trực chỉ Tây Phương. Nên nhớ rằng: việc tiếp rước về Cực Lạc là một đặc ân cho người thành tâm sám hối, đặc ân cho người đem hết tâm thành của mình chăm lo tu tập và tuyệt đối sửa Tánh. Không sửa Tánh, đừng hòng nói đến một hoa sen nhỏ trong ao Liên Trì. Chúng sanh không sửa tánh sẽ dễ dàng tạo nên rất nhiều điều không tốt đẹp và nghiệp chướng lại chất chồng. Nghiệp của quá khứ chưa thanh toán xong, bây giờ lại thêm nghiệp của hiện tại, thử hỏi một chúng sanh không có chút thiện chí nào để sửa đổi thì khi được rước về Cực Lạc sẽ phải ngồi trong thai sen đến bao lâu? Nếu đa số Thánh Chúng đều cùng dậm chân tại chỗ thì sinh hoạt của Cực Lạc sẽ bị trì trệ, dù Cực Lạc có muốn dang tay cứu độ chúng sanh của cõi Ta Bà cũng sẽ gặp muôn điều phiền phức vì nhân sự không có đủ. Được về Cực Lạc là để bứt vòng sanh tử, thoát kiếp luân hồi, tránh xa nghiệp chướng, không còn cơ hội để Vay và để Trả. Thánh Chúng vẫn phải hằng ngày tu tập, vẫn phải dùi mài Tâm Thức của mình để mới có thể chứng được quả vị Bồ Tát hay quả vị Phật trong tương lai. Khi đó, việc trở lại cõi Ta Bà để cứu độ chúng sanh là một việc làm tiếp nối mà Phật và Bồ Tát đã từng chu toàn cho mình lúc trước. Hàng hàng lớp lớp chúng sanh hô hào niệm Phật Vãng Sanh, nhưng đã đi sai đường và đã làm trái với điều kiện mà Đức A Di Đà Phật đã đặt ra. Điều Kiện thật là đơn giản, chỉ cần chúng sanh sửa TÁNH … và sửa TÁNH, có sửa Tánh mới có thể hoán chuyển được cái xấu thành cái tốt, hoán chuyển tâm xấu ác thành ra Tâm Lành, Tâm Từ Bi, hoán chuyển được ý đen tối trở nên ý trong sáng, ý cao thượng. Từ ở cái Tánh mà vô số nghiệp chướng được tạo ra. Tánh không sửa đổi, chắc chắn nghiệp chất chồng chớ không giảm bớt, mà đã tạo thêm thì không thể nào ĐỚI NGHIỆP VÃNG SANH; mang những nghiệp chướng đó đi theo để rồi ngồi hằng bao lâu trong thai sen, thật sự không giúp ích gì cho ai được cả! Chúng sanh đã hiểu sai về từ ngữ ĐỚI NGHIỆP VÃNG SANH. Bất kỳ một chúng sanh nào, từ những vị Cao Tăng tu hành chân chính, chí đến người tu tập tại gia, nếu chỉ qua 01 kiếp NGƯỜI, rất khó lòng làm sạch được cái núi Nghiệp Chướng của mình. Tuy nhiên, nếu những vị này được vãng sanh về Cực Lạc, tức là họ mang toàn bộ cái núi nghiệp chướng của mình đi theo, họ đồng được gọi là Đới Nghiệp Vãng Sanh. Họ được Cực Lạc dang tay tiếp độ là vì họ đã thể hiện một tấm lòng chân thật, tấm lòng mong mỏi làm lợi ích cho chúng sanh, họ chân thành sám hối, ăn năn tất cả nghiệp tội của họ từ vô thỉ kiếp đến ngay cả ở hiện kiếp, họ đã biết sửa đổi toàn bộ Tâm – Ý – Tánh của mình. Cho nên, họ vẫn là Đới Nghiệp Vãng Sanh, nhưng cái núi nghiệp chướng của họ vẫn có thể làm cho tan được ở Cực Lạc do ở sự quyết tâm tu tập và hết lòng ăn năn sám hối của họ. Đối với những kẻ tạo tác thật nhiều, nghiệp chướng cứ mãi chất chồng, không thể nói rằng: tôi chỉ cần niệm Phật là tôi được vãng sanh, việc đó tuyệt đối không thể xảy ra. Việc niệm Phật lúc nào cũng phải đi kèm với sự thành tâm sám hối, đi kèm với việc Trì Chú, cần phải nên hiểu thật rõ ý nghĩa của việc Sám Hối và Trì Chú thì việc niệm Phật mới mang đến kết quả tốt đẹp được. Người sám hối chân thành, đúng với ý nghĩa của Sám Hối và Trì Chú, khi niệm Phật sẽ ngập chìm trong ánh hào quang của Phật. Niệm Phật với lòng Từ Bi, không niệm Phật với lòng sân hận, với bao nhiêu Tánh xấu bủa vây. Phải nói một cách khẳng định rằng: Việc niệm Phật hoàn toàn xung khắc với Tánh xấu. Nếu có tánh xấu, không sửa đổi, không làm tiêu thì đừng hòng nói đến việc Niệm Phật có kết quả. Cả hai điều đó hoàn toàn xung khắc nhau! Niệm Phật Nhất Tâm Bất Loạn Kính bạch Sư Phụ, Đức A Di Đà Phật đã có lời hứa khả sẽ tiếp rước về Cực Lạc bất kỳ người nào, vào giờ phút lâm chung giữ được nhất tâm bất loạn, niệm danh hiệu của Ngài từ 01 lần đến 07 lần, từ 01 ngày đến 07 ngày. Kính xin Sư Phụ từ bi giải thích cho con được rõ thế nào là Niệm Phật Nhất Tâm Bất Loạn? Nhất tâm có nghĩa là chỉ có 01 tâm thôi, tâm cố định, tâm không thay đổi, tâm vững chãi, trước sau như một, không thiên lệch, tâm đó chính là TÂM THANH TỊNH. Tâm Thanh Tịnh không nảy sinh chuyện này, chuyện kia, chuyện quấy, chuyện phải. Tâm hoàn toàn như như bất động, đó chính là TÂM BÌNH. Bất loạn có nghĩa là không chạy bên này hay bên kia, không lên xuống, ngang dọc, đứng yên, không lắc qua, lắc lại. Nói một cách đúng nghĩa là: Niệm Phật hay trì Chú giữ nhất tâm bất loạn tức là giữ Tâm Bình khi niệm Phật hay Trì Chú. Nếu khi niệm Phật hay Trì Chú mà tâm loạn động, tức khắc sẽ bị phản ứng ngược. Điều đó có thể được hiểu như sau: Tâm đang ở trên một cái trục quay liên tục... liên tục (khi niệm Phật hay trì chú), một tư tưởng thoáng qua tâm, sẽ được ví như 01 hạt bụi nhỏ. Dù chỉ là hạt bụi cũng đủ sức làm cho tâm đang ở trên cái trục quay bị sây sát liền tức khắc. Sự trầy trụa, sự sây sát sẽ khiến cho tâm phải ngưng lại trên trục quay, việc giữ cho Tâm bất loạn, tâm vững, tâm cố định, tâm không nhúc nhích khó lòng thực hiện được. Vì tâm không được quay một cách trơn tru, liên tục, nên tâm không thể đón nhận hào quang của Phật và Bồ Tát qua lời niệm Phật hay trì Chú. Việc hành trì niệm Phật hay trì Chú với một tâm loạn động nói lên rằng: người hành trì đã đem tất cả những loạn động trở ngược vào tâm của mình, điều đó thật không khác gì việc mình đã uống liều thuốc độc vậy! Dù rằng tư tưởng của mình tốt đẹp, cao thượng, cũng vẫn là những hạt bụi làm cho tâm bị trầy trụa, sây sát trong khi tâm đang hoạt động trên cái trục quay, do đó sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp nào cả. Những sái niệm tức là những suy nghĩ không đúng của mình được ví như từng đám bụi nhỏ, cứ liên tục bám vào Tâm. Chỉ cần 01 hạt bụi cũng đủ làm cho tâm sây sát, nói gì đến 01 đám bụi thì cái Tâm sẽ khó mà tồn tại được với sự trong vắt nguyên thủy của nó. Việc niệm Phật nhất tâm bất loạn ở vào phút lâm chung đòi hỏi một sự tu tập liên tục, thường xuyên mỗi ngày, một sự tập luyện không ngừng nghỉ GIỮ TÂM BÌNH trong thời gian còn sinh lực. Phút lâm chung không kéo dài lâu, đôi khi chỉ trong 01 giây, 01 phút ngắn ngủi, thân tứ đại xuất ra đôi lúc tạo nhiều đau đớn, khó chịu; tiếng réo gọi, tiếng than khóc của người thân, tất cả sẽ tạo nên một sự phân tâm mãnh liệt, người sắp sửa ra đi khó giữ được Tâm Bình. Sự thường xuyên tập luyện sẽ giúp cho hành giả dễ dàng giữ thế như như bất động ở vào phút lâm chung, tránh được tạp niệm, vọng niệm tấn công vào tâm khi mình niệm Phật, như vậy tâm mới tiếp nhận được hào quang của Phật và Bồ Tát để phản chiếu trở lại, và ánh sáng phản chiếu đó mới hòa nhập vào hào quang của Phật và Bồ Tát để cùng trực chỉ Tây Phương. Muốn giữ được Tâm Bình, cần phải kiểm soát thường xuyên Tâm - Ý - Tánh. Phải giữ sao cho Tâm lúc nào cũng là Tâm Thanh Thản – Tâm không thị phi – Tâm không sân hận – Tâm không tham luyến – Tâm không vì Danh vì Lợi hay vì bất cứ một cái gì cả. Tâm hoàn toàn là một TÂM TRỐNG thì kiếng tâm mới trong vắt, mới phản chiếu được tất cả ánh sáng chiếu vào. Tâm không loạn động thì ý xấu, ý đen tối, ý không cao thượng sẽ không có dịp nổi lên. Tâm và Ý dính chặt vào nhau, cho nên, nếu ý không trong sáng, tức khắc Tâm sẽ nhơ bẩn liền. Tâm loạn động, tâm không thanh tịnh sẽ tạo ảnh hưởng khiến cho ý rung động và nảy sinh tất cả những điều tùy thuộc vào cái Tâm. Cái Tâm, cái Ý lại buộc chặt vào trong cái Tánh. Chính cái Tánh mới là kẻ nhấc con dao hành quyết lên để chặt đứt cái Tâm và cái Ý. Thảm hại vô cùng! Tự tay cái Tánh đã chặt nát cái Tâm và cái Ý thì không thể nào Tâm còn giữ được sự Thanh Tịnh và Bất Loạn được. Có kiểm soát được TÂM Ý TÁNH, có giữ được TÂM Ý TÁNH phẳng lặng, an bình, mới có thể đề cập đến vấn đề Nhất Tâm Bất Loạn được. Muốn được Nhất Tâm Bất Loạn vào giờ phút lâm chung, bắt buộc phải tập ngay từ bây giờ, không thể đợi đến phút cuối, e rằng đã quá muộn màng, không còn kịp nữa đâu! Nghiệp Chướng Từ Vô Thỉ Kiếp Kính bạch Sư Phụ, Đã bảo rằng nghiệp chướng từ vô thỉ kiếp có nghĩa là mình không thể nào biết được, nhớ được mình đã làm điều gì? Như thế thì việc sám hối làm sao mang được tính chất thực tiễn, đã không nhớ được thì sám hối với ai? Và sám hối cái gì? Chính vì mình không nhớ được, không biết được mình đã làm cái gì và làm cho ai, nên mới cần đến câu Trì Chú!! Nghiệp chướng của chúng sanh từ vô thỉ kiếp, quấn chặt như một mớ tơ vò, khó lòng tìm được điểm bắt đầu. Có muốn tháo gỡ cũng vô phương. Vì vậy, cần phải chân thành ăn năn sám hối tất cả nghiệp chướng. Đã là tạo tội thì tội nào cũng phải cầu xin tha thứ chớ không nhất thiết là tội nặng hay tội nhẹ, là lỗi to hay lỗi nhỏ, là xin tội nhiều hay chỉ cần xin chút chút là đủ. Cái quan trọng là phải tỏ thiện chí, phải nhận thức rằng dù cách nào tôi cũng vẫn là người tạo nghiệp chướng, tôi cũng vẫn là kẻ có lỗi, tôi cũng vẫn ở vị trí của một phạm nhân chờ nhận bản án. Do đó, muốn được thứ tha, muốn được bỏ qua lỗi lầm của mình, phải tỏ ra ăn năn, sám hối, nhưng không phải hành sử việc hối lỗi một cách qua loa, cho lấy có, cho xong việc, mà trái lại, việc sám hối có liên quan rất nhiều đến Tâm thức, đòi hỏi một tấm chân tình, sự thành tâm, thành ý, sau đó dùng công năng của câu Thần Chú để phụ trợ, đốt cho tiêu lần nghiệp chướng. Chính vì mình không nhớ được, không biết được mình đã làm cái gì và làm cho ai, nên Chư Phật và Bồ Tát đã giúp sức cho chúng sanh bằng cách cho câu Thần Chú, dùng công năng của câu Thần Chú mà thiêu đốt nghiệp chướng, làm mỏng lần màng vô minh, tức là chúng sanh đã dùng cái sức của Phật để đốt tan một phần nào nghiệp chướng của mình. Nếu Phật và Bồ Tát không cho chúng sanh câu Thần Chú để làm công việc đó e rằng chúng sanh khó lòng đi về Cõi Trời hay Cõi Phật được. Ngay cả việc trở lại Cõi Người cũng là một điều cực nhọc vô cùng. Chư Phật và Bồ Tát đã dùng nhiều phương cách, nhiều phương tiện để cứu giúp chúng sanh của cõi Ta Bà. Nếu các Ngài không mở lòng Từ Bi thì chỉ nội việc thác sanh trở lại làm Người cũng sẽ gặp muôn điều trắc trở, nói gì đến việc được về Cõi Trời hay được vãng sanh về Cực Lạc. Chúng sanh thiếu tư duy nên cho rằng việc tu tập chỉ cần làm qua loa cho lấy có, cốt yếu là Niệm Phật, niệm Phật càng nhiều, Phật càng mau rước. Nên nhớ rằng: Đường đi về Cực Lạc được lót bằng những viên đá mang tên TẤM CHÂN TÌNH. Thiếu tấm Chân Tình, thiếu một lòng Thành, rất khó lòng đi trọn con đường mang tên Cực Lạc. Tu tập tuyệt đối không đi kèm với Danh, với Lợi, với Thị Hiếu. Nếu vì Danh, vì Lợi mà niệm Phật, thì dù cho triệu … triệu lần niệm Phật, cũng chỉ là tiếng vang trong chơn không, sẽ không kêu gọi được sự hiện diện của các Đấng Từ Bi. Việc tu tập đòi hỏi phải được hành trì với tất cả tấm chân thành, với một Tâm Từ Bi, Tâm Hỷ Xả, với một tấm lòng mong mỏi MÌNH cùng tất cả Pháp Giới Chúng Sanh đồng hưởng điều Lợi Lạc. Một tiếng đồng hồ ngồi tu hay chỉ có 5 phút ngồi tu với đúng ý nghĩa và mục đích của việc tu tập, đều vẫn đem lại niềm An Lạc cho MÌNH và cho NGƯỜI. Khi tu tập, tất cả các THỨC đều bừng sáng lên, đó là một cách mà người tu tập chân chính cho các THỨC của mình những món ăn ngon. Càng tu tập, các THỨC càng ngời sáng, ở vào phút lâm chung mới có thể hòa nhập được vào trong cái hào quang của Phật và Bồ Tát. Một đời Người “vụt” qua rất lẹ, thoắt một cái đã đến giờ ly biệt, cho nên cần phải nhanh tay, lẹ chân để bắt kịp thời gian, để tranh thủ làm cho được một vài điều gì đó vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho người, để khi xuôi tay nhắm mắt sẽ không cảm thấy hối tiếc rằng mình đã lãng phí thời gian nơi Trần Thế! Chư Phật và Bồ Tát đã cho chúng sanh nhiều phương tiện để làm cho mình thăng hoa. Các Ngài đã mặc nhiên lôi kéo chúng sanh ra khỏi cái Biển Lửa đỏ rực, tìm về một bóng mát An Lành, một nơi trú ẩn Bình Yên, nhiều Tự Tại. Chỉ cần một sự chân thành tha thiết hành trì việc Sám Hối, thật tâm sửa đổi bản thân mình, tức khắc sẽ tìm được sự An Bình ngay khi còn trên Dương Thế. Trong Biển Lửa nhưng vẫn không mang thương tích. Trong Hung Hiểm nhưng vẫn không bị hại. Trong Xích Xiềng nhưng vẫn tìm được sự Tự Do. Nghiệp chướng như một Địa Ngục khổng lồ, bao chặt lấy chúng sanh, thành trì không khác gì vách đá hào sâu. Nếu chúng sanh không đem hết tâm thành để ăn năn sám hối Nếu Chư Phật và Bồ Tát không cho câu Thần Chú để giúp sức làm tiêu đi nghiệp chướng Nếu chúng sanh không để Chân Tâm của mình cũng như tấc dạ Từ Bi vào lời niệm Phật, cầu xin tiếp độ BIẾT ĐẾN BAO GIỜ ĐỊA NGỤC MỚI TAN?
6.
7.
8.
9.
10.
11.
12.

credits

released December 24, 2014

license

tags

about

LacPhap.com

LacPhap.com một trang web nho nhỏ, ghi chép lại những buổi pháp thoại giữa một vị cao tăng tu hành đắc đạo cùng với đệ tử của ngài là một cư sĩ ẩn danh.

Lạc Pháp mang một bản hoài là chia xẻ chánh Pháp của chư Phật và chư Bồ Tát cùng với chúng sanh bằng những lời lẽ rất bình dị, hầu giúp mang niềm vui và sự an ổn cũng như làm tiêu đi phần nào những khổ não của chúng sanh.
... more

contact / help

Contact LacPhap.com

Streaming and
Download help

Report this album or account

If you like LacPhap.com, you may also like: